Các kênh phân phối vào cuộc, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các địa phương khu vực phía Nam
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Thường trực Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp) - Bộ Công Thương, sáng ngày 13/9, được sự ủy quyền của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương khu vực phía Nam đã tham dự cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tiền Giang do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự cố gắng của hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh tại hai địa phương vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều xã, phường, thị trấn “đang xanh, đang cam trở thành đỏ”. Cụ thể, trong 07 ngày qua, số ca nhiễm COVID-19 đều tăng lên. Tại tỉnh Kiên Giang ghi nhận 1.217 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 776 ca trong cộng đồng (tăng 559 ca so với tuần trước, số ca trong cộng đồng tăng 203 ca). Tại tỉnh Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca trong cộng đồng.
Tại các địa phương này, công tác cung ứng hàng hóa được đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo người dân đủ hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Theo đó, ngày 13/9, tại tỉnh Kiên Giang, sức mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tươi sống, rau củ... tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm khoảng 60-80%, chợ truyền thống giảm khoảng 20-50% lượng khách so với ngày bình thường. Bên cạnh đó, các đơn hàng trực tuyến đã tăng 20-30% so với ngày bình thường. Các hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống chủ động duy trì dự trữ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tại các xã đảo, các tàu vận chuyển hàng hóa ra các xã đảo vẫn duy trì hoạt động từ 1 ngày/chuyến đến 3 ngày/chuyến để đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân. Giá cả hàng hóa ổn định, không biến động so với ngày 12/9.
Tại tỉnh Tiền Giang, từ ngày 31/8/2021 đến hết ngày 15/9/2021, tỉnh Tiền Giang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần các Chỉ thị số 16/CT-TTg và số 15/CT-TTg tùy theo từng khu vực. Trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong một vài thời điểm ở một số khu vực có hiện tượng thiếu hàng cục bộ nhưng chỉ là tạm thời.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 105/181 chợ truyền thống, 66/78 Cửa hàng Bách Hóa Xanh, 04/05 Cửa hàng VinMart+, 04/04 siêu thị đang hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Tiền Giang còn tham gia cung ứng nông sản hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội cho TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai với sản lượng mỗi ngày cung ứng từ 80 - 100 tấn rau, củ, quả… trong thời gian các địa phương này tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (23/8/2021- 15/9/2021).
Ở các địa phương phía Nam khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công tác cung ứng hàng hóa cũng được thực hiện bài bản. Tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định. Các hệ thống phân phối hàng hóa cho toàn thành phố vẫn được duy trì với 106 siêu thị, 2.706 cửa hàng hàng tiện lợi và 9 chợ truyền thống đang hoạt động. Tại một số siêu thị, số lượng đơn hàng bán lẻ qua kênh trực tuyến đã tăng lên nhanh chóng, lượng đơn đặt hàng qua Tổ đi chợ hộ đã giảm nhiều so với trước đó. Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 12/9 và sáng 13/9 giảm nhẹ (0,5%) so với hôm trước, ước đạt 5.031,1 tấn/ngày. Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 12/9 ước đạt 1.120 tấn/ngày (sức mua giảm 6% so với ngày 11/9). Các doanh nghiệp Bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường bình quân đạt khoảng 5.144,4 tấn/ngày (trong đó 30% cung ứng cho hệ thống phân phối, 70% cung ứng cho thị trường lẻ). Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 13/9 tiếp tục tăng 15% so với ngày 11/9, ước đạt 770 tấn/đêm (khoảng 60% cung ứng cho hệ thống phân phối và 40% cung ứng ra thị trường lẻ).
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phía Nam khác, nhìn chung tình hình thị trường không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Vụ Thị trường trong nước thông tin thêm, hiện nay, đã có 16/19 tỉnh, thành phía Nam đã và đang tiến hành triển khai xây dựng Kế hoạch khôi phục sản xuất, dự kiến sẽ áp dụng khi tình hình dịch bệnh tại địa phương được kiểm soát và sau khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu nới giãn cách. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID-19 chưa kiểm soát được tại các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh có thể lùi ngày nới giãn cách sẽ làm cho việc khôi phục sản xuất khó khăn hơn trong tương lai.