Trẩy hội mùa Xuân

Nguyễn Tuấn Dương|27/02/2020 00:02

(VLR) Tết đến xuân về, nhà nhà lại nô nức đón chờ những giây phút sum vầy bên nhau với những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp khắp nơi trên đất nước, từ Bắc đến Nam, các địa phương tổ chức những lễ hội mùa xuân thu hút sự tham gia của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Mỗi lễ hội đều có những nét đặc trưng, độc đáo riêng, nhằm tôn vinh những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp, may mắn nhất trong năm mới.

Ở phía Bắc, khi xuân về, thời tiết mát mẻ, là dịp nông nhàn, mọi người có thời gian du xuân, trẩy hội. Có vô số các lễ hội đặc sắc, tiêu biểu phải kể đến như: lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Trần (Nam Định), hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội chùa Bái Đính, Tràng An,… Trong đó, lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn và kéo dài nhất cả nước, khai hội vào mùng 6 tháng Giêng, và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hành trình đến với chùa Hương không chỉ là một hành trình về với đất Phật mà là dịp được trở về với thiên nhiên, với sự bình yên và tĩnh lặng của tâm hồn. Ngồi trên thuyền theo dòng suối Yến trong suốt, thơ mộng vào buổi sáng tinh sương, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên dần hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Hình ảnh những ngọn núi như chín mươi chín con voi quay đầu về núi cứ thế từ từ hiện ra. Đến với lễ hội chùa Hương viếng thăm một quần thể các đền, chùa với những kiến trúc đậm nét Á Đông, gắn liền với nhiều tích truyện thú vị như: đền Trình, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng.

Đến với lễ hội Yên Tử, du khách được khám phá địa danh có hơn 1.000 năm lịch sử. Những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Á Đông, những câu chuyện lịch sử thời Lý, Trần, Lê đã biến nơi đây trở thành vùng đất giàu giá trị văn hóa và lịch sử. Càng lên cao trong chuyến hành trình lại càng thấu hiểu những giá trị của lễ hội Yên Tử, với nhiều ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, nơi tôn vinh tinh thần yêu hòa bình của dân tộc Việt. Chùa Đồng (hay còn gọi là Thiên Trúc Tự) tọa lạc trên đỉnh cao nhất của đỉnh Yên Tử, nơi độ cao hơn 1.000m, là ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á, như cõi tiên bồng nơi hạ giới. Đến đây mới thấy được sự khát khao về một cuộc sống bình yên và hướng thiện luôn neo giữ trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam.  

Về với hội Lim (Bắc Ninh) vào dịp tháng Giêng để đắm chìm vào những làn điệu quan họ của những liền anh, liền chị - một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Những nét đẹp trong đời sống của người dân Kinh Bắc được kết tinh trong từng làn điệu quan họ như Mời nước mời trầu, Ngồi tựa mạn thuyền, Người ở đừng về,… Để rồi, tan hội rồi, mà từng làn điệu vẫn cứ vương vấn mãi trong tâm trí của người dự hội.

Dịp xuân năm nay, du khách không thể bỏ qua một địa điểm hết sức đặc biệt - Ninh Bình. Đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2020 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”, dịp xuân mới này, Ninh Bình tổ chức hàng loạt những hoạt động văn hóa ý nghĩa, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa của Việt Nam như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”,… Đặc biệt khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính thời gian gần đây là một trong những điểm đến tuyệt vời đối với du khách, nơi giao hòa của phong cảnh thiên nhiên và nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.

Xuôi về phương Nam, với nắng ấm và mai vàng nở rộ, không khí lễ hội mùa xuân cũng không kém phần sôi động. Những lễ hội dịp tháng Giêng tiêu biểu gồm có: lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang). lễ hội núi Bà Đen, hay còn gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được khai hội vào khoảng ngày 4 và kéo dài đến rằm tháng Giêng âm lịch. Đây là một lễ hội nổi tiếng ở phương Nam. Du khách thập phương đến với Lễ hội để viếng miếu bà Linh Sơn Thánh Mẫu với mong muốn cầu xin bình an, phước lành cho một năm mới phía trước.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) vào dịp rằm tháng Giêng là một lễ hội văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc Hoa và dân tộc Kinh ở vùng Nam Bộ, là minh chứng cho sự hòa thuận và gắn bó của các dân tộc anh em trên mảnh đất Nam Bộ. Lễ hội bắt đầu vào sáng 14 âm lịch với lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền. Theo đó là những hoạt động truyền thống như: dâng hương, múa rồng, múa lân để cầu phúc, cầu lộc cho một năm mới an khang thịnh vượng. Đến với lễ hội chùa Bà Thiên Hậu chính là dịp để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo riêng biệt của vùng Đông Nam Bộ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Trẩy hội mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO