Trí tuệ nhân tạo thay đổi lợi thế cạnh tranh

01/08/2016 09:18

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngoài khía cạnh về công nghệ, trí tuệ nhân tạo còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: sản xuất, nhân sự, tài chính... Vấn đề được đặt ra là, với những thay đổi mà trí tuệ nhân tạo mang lại, lợi thế cạnh tranh (LTCT) của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?

(Vietnam Logistics Review)Ngoài khía cạnh về công nghệ, trí tuệ nhân tạo còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: sản xuất, nhân sự, tài chính... Vấn đề được đặt ra là, với những thay đổi mà trí tuệ nhân tạo mang lại, lợi thế cạnh tranh (LTCT) của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Michael Porter (1998) - học giả hàng đầu về lĩnh vực cạnh tranh cho rằng DN có được LTCT từ việc tạo ra giá trị (cho khách hàng) cao hơn chi phí DN dùng để tạo ra giá trị đó. Giá trị cao hơn đó đến từ việc: cung cấp một lợi ích với mức giá thấp hơn so với những giải pháp tương tự; hoặc cung cấp một giải pháp đặc thù mà sự gia tăng lợi ích sử dụng không vượt sự gia tăng của mức giá. Từ đó, Porter cho rằng có hai loại LTCT cơ bản là: dẫn đầu về chi phí (giá tốt nhất) và khác biệt hóa.

Porter cũng giới thiệu mô hình 5 áp lực cạnh tranh để phân tích mức độ cạnh tranh ngành công nghiệp mà DN đang kinh doanh. 5 áp lực bao gồm: cạnh tranh giữa các công ty trong ngành; khả năng gia nhập ngành của các công ty mới; sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp; sức mạnh thương lượng của khách hàng; mối đe dọa từ các sản phẩm hoặc dịch vụ thay thế. Các áp lực cạnh tranh này là khác nhau đối với những ngành khác nhau. Ngành mà các áp lực cạnh tranh thấp (như: dược, nước giải khát...) thì DN có thể thu về những khoản lợi nhuận cao hơn so với ngành có áp lực cạnh tranh cao (cao su, thép, trò chơi điện tử...).

Tuy vậy, DN vẫn có thể có lời trong những ngành cạnh tranh cao bằng cách định vị mình tốt. DN nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu khi so sánh với đối thủ cạnh tranh, tuy vậy, mức độ "mạnh" hay "yếu" cuối cùng sẽ quy về khả năng kiểm soát chi phí và khả năng khác biệt hóa. DN nào có khả năng đối mặt với 5 áp lực cạnh tranh tốt hơn các đối thủ thì sẽ có được LTCT. Nếu DN có thể duy trì hoạt động của mình tốt hơn mặt bằng chung của ngành trong dài hạn thì có LTCT bền vững.

Có nhiều yếu tố giúp DN duy trì LTCT. DN có thể giữ được lợi thế về chi phí nhờ các yếu tố chủ đạo sau: quy mô DN; mối quan hệ qua lại giữa các phòng ban hoặc với các DN thân cận; liên minh với các DN khác, nhà cung ứng và các kênh độc lập; khả năng học hỏi riêng; các chính sách bảo hộ sản phẩm hoặc công nghệ độc quyền. Đối với lợi thế về sự khác biệt hóa, DN có thể giữ được nhờ: việc lựa chọn chính sách; liên kết trong chuỗi giá trị với các nhà cung ứng hoặc các kênh phân phối; thời gian (đi tiên phong trong một lĩnh vực); địa điểm thuận tiện; các liên minh, khả năng học hỏi của DN; việc tích hợp các hoạt động tạo ra giá trị mới; quy mô của DN, và cuối cùng các yếu tố độc đáo của tổ chức giúp DN trở nên khác biệt.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo

Năm 2016 đánh dấu những bước tiến bộ vượt bậc của AI mà sự kiện đình đám nhất phải kể đến là việc hệ thống AI AlphaGo (do Google phát triển) đã thắng áp đảo nhà vô địch cờ vây Lee Sedol với tỷ số (4-1) trong các trận đấu diễn ra vào tháng 3.2016. Sau chiến thắng của phần mềm Deep Blue trước siêu đại kiện tướng cờ vua Gary Kasparov in 1997 (Vardi, 2016), thế giới đã bắt đầu để ý nhiều hơn đến khả năng của máy tính. Tuy vậy, ít người nghĩ rằng máy tính khó có khả năng chiến thắng con người trong môn cờ vây, vốn phức tạp, biến hóa và có nhiều nước đi hơn rất nhiều, hoặc điều này chỉ có thể xảy ra sau ít nhất là 10 năm nữa. Chiến thắng của AlphaGo đã xóa tan mọi hoài nghi về tốc độ phát triển nhanh chóng của AI hiện nay.

Nhiều người cho rằng máy tính không thể hiểu được ngôn ngữ phức tạp của con người hay máy tính không có khả năng sáng tạo. Tuy vậy, thực tế là hiện nay đã có nhiều phần mềm máy tính hiểu được ngôn ngữ tự nhiên và dữ liệu không cấu trúc. Các phần mềm trợ lý ảo Cortana (Microsoft), Siri (Apple) có thể hiểu được các câu hỏi của người dùng và đưa ra câu trả lời mà không đòi hỏi người dùng phải nhớ cú pháp câu lệnh. Máy tính không có khả năng tự sáng tạo, tuy vậy, khả năng học sâu của các phần mêm AI hiện nay đã cho phép chúng làm được những công việc sáng tạo như sáng tác nhạc, làm thơ, vẽ tranh... đến mức độ khó có thể phân biệt sản phẩm của chúng và sản phẩm của con người. Thêm vào đó, nếu như con người thường bị chi phối bởi cảm xúc thì máy tính lại không chịu sự tác động này, do đó, trong nhiều ngữ cảnh, các hệ thống AI có thể ra những quyết định tốt hơn cả con người. Nếu như trong nhiều thập niên trước đây, máy móc và công nghệ tự động đã làm hàng triệu công nhân mất việc làm thì viễn cảnh lao động trí thức bị mất việc làm cũng không phải là điều viễn vong nữa. Vardi tin rằng trong tương lai, AI và tự động hóa sẽ khiến thế giới tiếp tục mất hàng triệu việc làm và gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với LTCT của DN

Có thể nhận thấy rằng, thay đổi lớn nhất mà AI sẽ mang đến là việc máy móc từng bước làm thay con người trong một số khâu nhất định. Thay đổi này sẽ tác động đến nhiều yếu tố liên quan đến khả năng tạo ra và duy trì LTCT của DN ở cả hai khía cạnh chi phí và sự khác biệt hóa.

Đầu tiên là thay đổi LTCT về chi phí. Nếu như quy mô DN là một trong những rào cản gia nhập hoặc chuyển ngành thì sự phát triển của AI có thể giúp tinh giản quy mô DN mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Lúc này việc duy trì một DN có quy mô lớn, đội ngũ nhân viên và quản lý cồng kềnh có thể không còn là một chiến lược phù hợp để duy trì LTCT nữa. Nhờ có AI, các yếu tố liên kết trong ngành, chiến lược tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận đối với các DN nhỏ, do đó, rào cản gia nhập ngành có thể bị xóa bỏ, cạnh tranh trong ngành vì thế sẽ cao hơn. Lấy các hệ thống quản trị của SAP và Oracle làm ví dụ, chúng thường cồng kềnh, đắt đỏ, khó sử dụng, không linh động để tích hợp vào mọi DN. Thông thường chỉ có các DN lớn như Walmart hay Best Buy mới có đủ năng lực tài chính cũng như sức mạnh thương lượng để ép buộc các nhà cung ứng hay kênh phân phối triển khai những hệ thống này. Một khi triển khai, những hệ thống này cũng lại cần những con người thường xuyên theo dõi, bảo trì để đảm bảo sự vận hành. Trong khi đó, đội ngũ phát triển AlphaGo chỉ có chưa đến 50 người, bản thân phần mềm AlphaGo gọn nhẹ và ít đòi hỏi sự can thiệp của con người trong vận hành.

Lợi thế về sự khác biệt hóa cũng sẽ chịu sự ảnh hưởng từ khả năng sáng tạo của AI trong tương lai. AI sẽ thu hẹp khoảng cách về công nghệ giữa các DN, đồng thời thay thế con người trong những công việc vốn đòi hỏi kỹ năng kinh nghiệm, mà đội ngũ nhân sự này trước đây chỉ có các DN lớn mới có đủ nguồn lực thu hút. Khả năng học hỏi riêng của một DN cũng sẽ bị thách thức bởi khả năng học sâu của AI. Đối với trường hợp AlphaGo chiến thắng nhà vô địch Lee Sedol, hệ thống AI này không được nạp dữ liệu về các trận đấu của đối thủ, tuy vậy, nó đã liên tục phát triển kỹ năng chơi cờ của mình bằng cách chơi rất nhiều trận với chính nó. Kết quả là tính đặc thù trong các sản phẩm hoặc dịch vụ theo chiến lược truyền thống có thể sẽ suy giảm, kéo theo LTCT suy giảm hoặc biến mất. Các SP mới – thành quả của việc áp dụng AI – sẽ xuất hiện, thay thế các SP hiện hữu vì mức giá rẻ hơn và sự khác biệt của chúng.

Nói tóm lại, AI sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang đến nhiều đổi thay cho nhân loại. Đối với lĩnh vực kinh doanh, AI có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến khả năng dẫn đầu về chi phí hoặc khác biệt hóa của doanh nghiệp, khiến việc gia nhập ngành trở nên dễ dàng hơn, cạnh tranh trong ngành cao hơn, có nhiều thay đổi trong quan hệ của doanh nghiệp và các đối tác, nguy cơ xuất hiện các sản phẩm và dịch vụ thay thế cũng cao hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo thay đổi lợi thế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO