Vận hành loạt dự án lớn sẽ giúp sản xuất công nghiệp khởi sắc

Báo Hải Quan Online|10/04/2019 09:20

(VLR) Quý đầu năm nay, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ghi nhận sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi hàng loạt dự án công nghiệp lớn được bắt đầu vận hành hoặc vận hành tối đa công suất trong thời gian tới, tình hình dự báo sẽ có biến chuyển tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước

Công nghiệp chế biến chế tạo “hụt hơi”

Theo Bộ Công Thương: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 4,8% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tuy nhiên, tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018.

Tính chung quý I/2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 14,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm ngày 31/3 tăng 15,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 13,5%).

Nhìn nhận về “bức tranh” sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Chỉ số phát triển các ngành công nghiệp cơ bản đang bám sát kịch bản tăng trưởng do Bộ Công Thương xây dựng.

Riêng về ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương, tăng 11,1% (mục tiêu là 12%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,7%), nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2. Bên cạnh đó, Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ (khoảng 1,02%), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

“Nhìn chung, dù tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam là khá cao. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu đến từ các ngành do DN trong nước sản xuất”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Khởi sắc trong thời gian tới

Theo Bộ Công Thương: Từ nay đến hết năm, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là: Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại; ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm; thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Tuy vậy, với riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dự kiến, từ nay tới cuối năm một số dự án lớn hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019.

Điển hình như: Thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với công suất 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép

Bên cạnh đó, dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe ô tô tùy theo thị trường; dự án nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019…

“Với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%) thì ngành công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dài hạn giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với các hộ tiêu thụ than để làm căn cứ xây dựng kế hoạch khai thác than dài hạn, khả thi...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận hành loạt dự án lớn sẽ giúp sản xuất công nghiệp khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO