Trang Nikkei Asia Review cuối năm ngoái có bài viết nhận định Việt Nam đang dẫn đầu quá trình phục hồi chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Theo Nikkei, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang giảm mạnh tại các nước Đông Nam Á, chuỗi cung ứng tại khu vực này đang chạy đua để khôi phục hoàn toàn sau nhiều tháng các nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm sản xuất do COVID-19.
Theo đánh giá của truyền thông khu vực và quốc tế, Việt Nam nhanh chóng làm quen với trạng thái “bình thường mới” khi Hà Nội nới lỏng các hạn chế. Khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại, truyền thông địa phương cho hay. Điều thu hút sự chú ý, đánh giá cao của quốc tế là 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ngày càng khởi sắc lạc quan.
Theo Bộ Công Thương, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp trong nước đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng.
Điều này đã tạo giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp là 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao.
Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là Bắc Giang tăng 48,9%, Quảng Nam tăng 25,4%, Hà Giang tăng 23%, Bình Phước tăng 23,7%, Sơn La tăng 14,4%, Đắk Lắk tăng 10%, Bắc Ninh tăng 19,8%, Bạc Liêu tăng 8,9%.
Riêng Kon Tum, IIP ngành chế biến, chế tạo giảm 7,4%, nhưng sản xuất điện (chiếm quyền số 54,5% trong toàn ngành công nghiệp) tăng 38,7% đã góp phần làm IIP tăng 20,6%.
Chính nhờ sự phục hồi mạnh mẽ, IIP của những địa phương này đều nằm trong top những địa phương có tốc độ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất cả nước. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước (48,9%). Theo sau là Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Bình Phước, với tốc độ tăng IIP lần lượt đạt 45,4%, 25%, 23,9% và 22,1%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, các nhóm ngành có sự hồi phục nhanh như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng.
Ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch, cùng với nhập khẩu gia tăng đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, cho tiêu dùng ở thị trường trong nước và có dự trữ đảm bảo an ninh năng lượng.
Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực: 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2022 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%).
Có được kết quả này theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời điểm đỉnh dịch, Bộ Công Thương đã triển khai tới các địa phương tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng thấp.
Bên cạnh đó, IIP của một số ngành giảm: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 10,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 8,5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,2%.
Đưa ra giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa...
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực, như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da-giày, điện-điện tử, chế biến thực phẩm...
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường... cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
Hơn lúc nào hết, cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ; tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp chia sẻ, thời gian qua, mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu về phát triển công nghiệp và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai để các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả. Từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.