VLA với công tác phản biện xã hội

Nguyễn Duy Minh - Nguyễn Tương|11/05/2021 08:41

(VLR) Nhiệm kỳ VII tính từ tháng 11/2015 đến nay được đánh giá là một nhiệm kỳ thành công - đổi mới và phát triển của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cả vế số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, vai trò và vị thế của Hiệp hội đã được nâng lên rõ rệt đối với các cơ quan Nhà nước thông qua công tác phản biện xã hội và hoạt động thực tiễn hiệu quả.

Vai trò và vị thế của VLA đã nâng lên rõ rệt đối với các cơ quan Nhà nước thông qua công tác phản biện xã hội và hoạt động thực tiễn hiệu quả

Vai trò và vị thế của VLA đã nâng lên rõ rệt đối với các cơ quan Nhà nước thông qua công tác phản biện xã hội và hoạt động thực tiễn hiệu quả

Trong Nhiệm kỳ vừa qua tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam phát triển với những diễn biến phức tạp có sự tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cùng với đó là sự cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn... Đặc biệt từ 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu làm cho nền kinh tế thế giới bị suy thoái, nhiều chuyên gia dự báo hậu quả sẽ kéo dài đến nhiều năm. Tác động của đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Thời điểm từ đầu năm 2021 đến nay thiếu hụt container rỗng cho hàng hóa xuất khẩu và giá cước khu vực châu Á đi châu Âu và châu Mỹ tăng vô kiềm tỏa. Cùng với dịch bệnh là thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và ngành dịch vụ logistics nước ta.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch đã thúc đẩy nhanh việc ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ mới vào ngành dịch vụ logistics và đời sống xã hội. Đại dịch đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại, qua đó tác động sâu sắc tới hoạt động của dịch vụ logistics. Cũng như thế giới, thương mại điện tử (E-Commerce) của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics. Vấn đề cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng và logistics như chi phí, chất lượng và giao hàng đang được đặt lên hàng đầu.

Với những quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn và kịp thời của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật. GDP tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, thặng dư XNK 19,1 tỷ USD. Thương mại quốc tế không ngừng mở rộng với việc ký kết và thực hiện nhiều FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là CPTPP, EVFTA, RCEP. Ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK của Việt Nam tăng 37% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng 7%, trong đó hàng container tăng 17%... Qua đó đã tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam chống chịu với đại dịch và phục hồi phát triển.

Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã có 45 văn bản chính góp ý các dự thảo luật, nghị định, quyết định, thông tư… (Ảnh minh họa)

Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã có 45 văn bản chính góp ý các dự thảo luật, nghị định, quyết định, thông tư… (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội đã làm tốt công tác phản biện xã, một chức năng quan trọng của Hiệp hội ngành nghề. Hiệp hội thực sự đại diện cho Hội viên và ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng dự thảo văn bản của các bộ, ban, ngành, điạ phương liên quan đến ngành dịch vụ logistics. Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã có 45 văn bản chính góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư … Trong đó, nổi bật như:

- Đề xuất nội dung phát triển ngành dịch vụ logistics vào dự thảo văn bản Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, như một ngành dịch vụ có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia cần “Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics”;

- Cùng với Bộ Công Thương, tham gia dự thảo Quyết định 200/QĐ-TTg của Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Với 5 mục tiêu và 60 nhiệm vụ cụ thể, đây là Kế hoạch hành động đầu tiên và toàn diện của Chính phủ cho các hoạt động nhằm đưa ngành dịch vụ logistics nước ta phát triển, đạt trình theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới. Quyết định 200 đã góp phần nâng cao nhận thức và đánh giá của dư luận xã hội đối với vai trò quan trọng của dịch vụ logistics, qua đó cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo và điều hành của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đối với dịch vụ logistics.

Trong thư ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên gửi Hiệp hội đã nêu rõ: “Trong thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và phát triển, thể hiện vai trò quan trọng là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước. Tôi đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hiệp hội trong sự phát triển của ngành logistics nước ta nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung”.

- Tham gia dự thảo về sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg bằng Quyết định 221/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó có việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030. Tham gia xây dựng Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005, Nghị định 163/2017 ngày 30/12/2017 Quy định về Kinh doanh dịch vụ Logistics thay thế Nghị định 140/2007. Đây là một Nghị định liên quan nhiều nhất đến hoạt động logistics…

- Góp ý xây dựng nhiều văn bản của Bộ Giao thông vận tải, trong đó có Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015; Nghị định số 144/2018/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức; Thông tư về tăng phí dịch vụ cảng biển một cách phù hợp với lợi ích quốc gia; các khuyến nghị đối vời ngành nhằm giảm chi phí logistics quốc gia;…

Ký kết hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài, trong ảnh Lễ ký kết MOU giữa VLA và Cảng Pyeongtaek - Hàn Quốc năm 2019

Ký kết hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài, trong ảnh Lễ ký kết MOU giữa VLA và Cảng Pyeongtaek - Hàn Quốc năm 2019

- Kiến nghị và góp ý với Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) các vấn đề liên quan đến việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và hoạt động cải cách của cơ quan Hải quan. Góp ý xây dựng một số văn bản như: Thông tư 39/2018 ngày 20/4/2018 sửa đổi Thông tư 38/2015 về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan, thuế xuất nhập khẩu…; Nghị định 59/2918 sửa đổi bổ sung Nghị định 08/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư số 22/2019 ngày 16/4/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015 về cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai báo hải quan; Nghị định 128/2020, ngày 19/10/2020 quy định chi tiết xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan… Ngoài ra, VLA còn ký thỏa thuận hợp tác với Cục giám sát Hải quan và Chi Cục Hải quan TP. HCM, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác làm thủ tục hải quan của hội viên. Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, VLA đã có góp ý dự thảo Luật Bộ đội biên phòng liên quan đến quy định kiểm tra hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa qua biên giới…

- Tham gia xây dựng Đề án phát triển logistics trên địa bàn TP. HCM tới năm 2025, định hướng 2030; Đề án phát triển trung tâm logistics của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đề án phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa…

- Trong thời gian chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội, VLA đã kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc của hội viên lên các bộ, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ/Bộ Trưởng Chủ nhiệm VPCP/Bộ trưởng Công thương về việc giảm giá điện lạnh cao hơn giá điện sản xuất từ 25% - 30% nhằm giảm chi phí logistics. Đề nghị Hải Phòng giảm chi phí kết cấu hạ tầng đường biển cho sà lan vận tải container bằng đường thủy nội địa; đề nghị hủy bỏ thu phí và làm thủ tục hai lần cho vận tải container đường thủy Việt Nam - Campuchia;…

VLA đã chủ động, tích cực tham gia việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động, dịch vụ logistics

VLA đã chủ động, tích cực tham gia việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động, dịch vụ logistics

- Ngoài tham gia góp ý trực tiếp, Hiệp hội còn phối hợp vói các Hiệp hội nghề nghiệp khác, như Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Đại lý, môi giới hàng hải Việt Nam, đặc biệt Văn phòng chính phủ/ Ban cải cách doanh nghiệp tư nhân… để có tiếng nói chung với các cơ quan Nhà nước. Điển hình như: tham gia ý kiến về việc thu phí dịch vụ cơ sở hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng, TP. HCM; Cùng Hiệp hội Dệt may và 6 Hiệp hội khác ký chung yêu cầu gửi đại diện thương mại Mỹ để phản đối Mỹ áp dụng điều tra Việt Nam phá giá tiền tệ theo Section 301. Đến nay, Mỹ đã không còn yêu cầu này nữa.

Qua các phân tích trên, có thể thấy, VLA đã chủ động, tích cực tham gia việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động, dịch vụ logistics. Những ý kiến đóng góp của VLA đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành. Qua đó tạo dựng được niềm tin đối với doanh nghiệp hội viên; nâng cao vai trò và vị thế của VLA đối với các cơ quan Nhà nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
VLA với công tác phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO