Xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh 'kiểu mẫu'

Duy Ngợi|13/11/2023 14:18

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

thutuong2.jpg
Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: Báo Chính phủ)

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa; khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn); thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại thị xã Nghi Sơn.

Thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.

GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%).

Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.

Giai đoạn 2021-2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.

thanhhoa3.jpg
Thanh Hóa trở thành đầu tàu phát triển của khu vực miền Trung

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; đặc biệt là giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu thực hiện nội dung theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội, để tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm có phương án và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch.

Để khắc phục điểm nghẽn về giao thông, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung (Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 59,42 km, sử dụng vốn vay WB. Đồng thời xem xem xét, giải quyết vướng mắc về nguồn vốn để Dự án thủy điện Hồi Xuân sớm triển khai hoàn thành, đi vào hoạt động.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, sớm hoàn chỉnh báo cáo đề xuất đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn với tổng chiều dài 7,0 km, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, theo hướng trình cấp có thẩm quyền giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Đối với Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai (Như Thanh) có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, quy mô 48,5ha. Để giải quyết vướng mắc, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa được áp dụng cơ chế đặc thù để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên...

thanhhoa4.jpg
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ Thanh Hóa còn nhiều vấn đề cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cụ thể, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, những vấn đề liên quan tới môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, công tá cán bộ…

Thủ tướng yêu cầu cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.

Thủ tướng nhắc lại, ngày 20/2/1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Người đã căn dặn: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh 'kiểu mẫu' và khẳng định niềm tin: Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt".

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm, định hướng lớn. Theo đó, phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý điều hành phải thông minh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của vùng đất và con người xứ Thanh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh và phúc lợi xã hội.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tinh Thanh Hóa, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thanh Hóa tiếp tục húc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khoa học-công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành về làm việc tại tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh 'kiểu mẫu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO