Doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng các yếu tố phát triển bền vững
EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu cao so với cùng kỳ năm 2020 như: Hạt tiêu, gạo, cao su, chè, cà phê...
Điều đó thấy, DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam đã giúp EU (một thị trường khó tính) trở thành thị trường tiềm năng cho DN xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Zachaier - Giám đốc Bộ phận chuỗi cung ứng SOA (Source of Asia) - một trong những công ty hàng đầu về hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương - cho biết, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu đang thay đổi và thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, người mua hàng ngày càng quan tâm đến sự bền vững, bao gồm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, yếu tố bảo vệ môi trường. Khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Để tiếp cận bền vững khách hàng tại thị trường EU, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho rằng, DN Việt phải luôn đầu tư nghiên cứu, áp dụng những chính sách phù hợp được xây dựng và cải tiến trên cơ sở khoa học, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.
Kinh nghiệm từ các DN đã thành công xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường EU như: Vinamilk, Viettel, Kova… cho thấy, điểm chung của các DN đều tập trung chất lượng sản phẩm ngay từ khi phát triển thị trường trong nước. Khi đã có chỗ đứng nhất định mới xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường nước ngoài với mục tiêu hợp lý, đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường cụ thể và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, theo bà Phùng Thị Lan Phương- Trưởng Phòng FTA- Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN cần hiểu được các cam kết phức tạp của EVFTA, những tác động của Hiệp định tới hoạt động kinh doanh của DN và có sự chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để tận dụng các cơ hội, đồng thời đối mặt với các thách thức từ Hiệp định.
Ở phạm vi rộng hơn, DN cần chủ động tham gia vào quá trình các cơ quan nhà nước nội luật hóa các cam kết EVFTA để có được những quy định có lợi nhất cho DN.