Hội nghị là cơ hội để Bắc Giang tìm thị trường tiêu thụ những nông sản thế mạnh của tỉnh - Ảnh: Thế Đại
Hội nghị được tổ chức tại 10 điểm cầu tại tỉnh Bắc Giang, 4 điểm cầu trung ương, 1 điểm cầu tại Trung Quốc và hàng trăm điểm cầu ở các siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp/thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Hội nghị được tổ chức tại 10 điểm cầu tại tỉnh Bắc Giang, 4 điểm cầu trung ương, 1 điểm cầu tại Trung Quốc và hàng trăm điểm cầu ở các siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp/thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Bắc Giang có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều. Tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà.
Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), thương nhân thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường. Trong đó, cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, 4 nghìn tấn na được sản xuất an toàn, VietGAP, truy xuất nguồn gốc; 17 nghìn tấn thịt gà; 60 nghìn tấn thịt lợn.
Bên cạnh đó, tỉnh có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Sau hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ có nhiều hợp đồng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh và mong muốn sẽ được đón nhiều hơn du khách đến trải nghiệm cây ăn quả tại địa phương.
Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tích cực, hiệu quả với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, hiệp hội, tập đoàn phân phối, doanh nghiệp, nhà cung ứng... tổ chức hội nghị Xúc tiến tiêu thụ cam, bười, na và các nông sản tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp song tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải (tiêu thụ vải sớm tại Tân Yên ngày 26/5/2021 và tại TP. Bắc Giang ngày 9/6/2021) với 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm 2021 của Bắc Giang ước đạt 215.852 tấn, tăng trên 50.850 tấn so với năm 2020.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngoài các kênh phân phối truyền thống đã đóng góp lớn cho việc tiêu thụ quả vải, năm nay Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức đẩy mạnh thêm kênh phân phối hiện đại qua các sàn thương mại điện tử lớn. Riêng sản lượng phân phối qua các sàn thương mại điện tử lớn mùa vải năm nay đạt trên 9.000 tấn, với gần 1 triệu đơn hàng, gấp gần 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng là khoảng 2.000 tấn tiêu thụ qua thương mại điện tử ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh...
“Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đặt lên hàng đầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Dịp này, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận giới thiệu về sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương; kinh nghiệm xúc tiến thương mại; các giải pháp lưu thông hàng hóa, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ Bắc Giang nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiên tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của Bộ như các chương trình: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Nông sản thực phẩm an toàn, Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia..; chủ động tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông, xuất khẩu nhằm tăng khả năng kết nối, tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh...
Tại Hội nghị này có 57 văn bản được ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang.