Năm 2019, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, bằng những nỗ lực phấn đấu bền bỉ, huyện Yên Thành được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành 1 trong 4 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Xác định đây mới chỉ là thành công quan trọng bước đầu bởi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mang tính trọng tâm, toàn diện và lâu dài, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, tiêu chí phát triển nông thôn. Trong đó, để phát huy tiềm năng, lợi thế, đồng thời tạo sự đột phá trong phát triển, huyện Yên Thành đã xây dựng và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt 2 Đề án lớn có ý nghĩa quan trọng: Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn NTM nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện NTM kiểu mẫu đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/01/2023) và Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 19/01/2023). Hai Đề án này có tính kết nối, làm tiền đề cho nhau.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - Phan Văn Tuyên cho biết: Việc phát triển các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM tại huyện được lan tỏa rộng khắp, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc, rõ rệt, hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện. Quy mô kinh tế của huyện thuộc tốp đầu của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá. Hết năm 2022, Huyện có 12/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 31,58% tổng số xã toàn huyện và chiếm 22,64% tổng số xã nông thôn mới nâng cao của toàn tỉnh... Trước những thành tích đó, mục tiêu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là hoàn toàn có tính khả thi và có thể về đích sớm.
Để đạt được những mục tiêu tại Đề án xây dựng NTM mới nâng cao, NTM kiểu mẫu, trên cơ sở tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, huyện Yên Thành đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, định hướng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030 về sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái ứng dụng công nghệ cao có nền sản xuất phát triển, tạo ra sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh; gắn phát triển nông nghiệp với chế biến, bảo quản và phát triển du lịch sinh thái; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân; phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp toàn huyện.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu, hiện các xã trong toàn huyện Yên Thành đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, dự án, chương trình, qua nguồn lực ở địa phương, nguồn lực xã hội hóa, ngoài ra từ nguồn hỗ trợ về kinh phí trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Trong đó, điểm sáng nổi bật là sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư. Ngay từ đầu năm 2023, Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả cao trong liên kết thu mua, chế biến sản phẩm. Vụ Xuân năm 2023, Nhà máy đã thu mua 11.000 tấn, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm được gần 200 ha. Song song với đó, phát huy nội lực, các hợp tác xã trên địa bàn Huyện tiếp tục đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là trên lĩnh vực ngành hàng chủ lực như Hợp tác xã NNDVTH Thọ Thành, Hợp tác xã NN Liên Thành, Hợp tác xã NN và PTNT Văn Thành, Hợp tác xã NNDVTH Hoa Thành...
Yên Thành cũng là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, có diện tích, sản lượng lúa chiếm 1/7, tổng đàn chăn nuôi chiếm 1/10 của cả tỉnh Nghệ An. Không chỉ về số lượng, chất lượng sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thành đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác rừng gỗ dăm sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa và giá trị gia tăng.
Huyện Yên Thành phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 99,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 - 80 triệu đồng/người/năm; 100% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt dưới 4%... Đến năm 2028, huyện phấn đấu có thêm 19 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (đạt 100%). Đến năm 2030, có thêm 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn huyện lên 6-10 xã. Đến năm 2030, Yên Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp theo hướng sinh thái ứng dụng công nghệ cao.