.
Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được các cấp, các bên tích cực triển khai thực hiện như hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách môi trường kinh doanh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng của doanh nghiệp dịch vụ logistics; Phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu tạo nguồnhàng cho ngành dịch vụ logistics… thì một giải pháp cần lưu ý tập trung triển khai chính là việc củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường thực hiện hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics, bao gồm: khung thể chế pháp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và trung tâm logistics; hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng phù hợp nhằm khai thác tốt thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Phát triển các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế. Xây dựng hệ thống trung tâm logistics phù hợp kết nối với vùng sản xuất và kết nối giao thông thuận lợi.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác. Đặc biệt là trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa. Như ta đã biết, ngành logistics là ngành dịch vụ tổng hợp bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau và hiện chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vấn đề hạ tầng và dịch vụ vận tải thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, hoạt động hải quan thuộc Bộ Tài chính, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ ngành chuyên quản, trung tâm logistics cũng như việc điều phối hoạt động chung thuộc quản lý của Bộ Công Thương… Do vậy để ngành logistics phát triển cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, giữa các cơ quan trung ương và địa phương tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất.
- Thứ ba, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội. Hiệp hội cần phát huy vai trò, tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao công tác phản biện chính sách, thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp về logistics, giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau. Hiện nay, có nhiều Hiệp hội về logistics như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam. Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam… Bên cạnh các Hiệp hội quốc gia còn có các Hiệp hội địa phương như Hiệp hội logistics Hà Nội, Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Logistics Bình Dương... Thay vì chỉ hoạt động hạn chế trong lĩnh vực và địa bàn của mình, các hiệp hội cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong kinh doanh, giúp hình thành các chuỗi dịch vụ thay vì cung cấp các dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính cạnh tranh cho khách hàng. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo sức mạnh cộng hưởng mới giúp vượt qua thách thức cạnh tranh với các “đại gia” logistics quốc tế. Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng; có khả năng làm giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Tăng cường hợp tác cũng giúp vai trò, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, phản biện chính sách được phát huy mạnh mẽ hơn. Điều này đặc biệt quan trọng với ngành logistics Việt Nam với đặc trưng trên 90% là các doanh nghiệp nhỏ.
Thứ năm, tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các hiệp hội cần phát huy vai trò hỗ trợ, kết nối các hội viên với nhau, kết nối cung - cầu dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp logistics cùng kết hợp để cung cấp chuỗi dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thay vì chỉ cung cấp dịch vụ đơn lẻ. Các doanh nghiệp chủ hàng kết hợp để tạo đơn hàng lớn, giúp đạt được mức giá tốt và các điều kiện ưu đãi. Hiệp hội phát huy vai trò đầu mối kết nối các hội viên của hai bên, giúp các doanh nghiệp yên tâm hợp tác, giao dịch nhờ uy tín của hiệp hội. Đồng thời, chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ của các bên, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thuận tiện, dễ dàng.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao, tay nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc ngay khi ra trường. Kết hợp đào tạo các khóa tập huấn kỹ năng, khóa học ngắn hạn theo nhu cầu của doanh nghiệp, hiệp hội nhằm nâng cao tay nghề, lực lượng lao động trong lĩnh vực logistics.
Có thể thấy, việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện được. Điều quan trọng là cần có những doanh nghiệp, cá nhân có đủ tâm, đủ tầm, đủ nhiệt huyết, uy tín, tích cực đứng ra kết nối. Việc thúc đẩy liên kết không chỉ thực hiện qua các hình thức chính thức như ký MOU, những hội nghị kết nối, xúc tiến, hợp tác đầu tư, mà đôi khi chính từ những hoạt động rất đời thường như những buổi họp mặt, các chuyến khảo sát, tham quan... từ đó, các doanh nghiệp, hiệp hội có thể hiểu nhau hơn và tin tưởng nhau hơn để dẫn tới những chia sẻ, hợp tác về lâu dài, giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững./.
* Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, ...
* Năm 2022, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là Điện thoại (58 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (55 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tủng (45,8 tỷ USD); hàng dệt, may (37,6 tỷ USD); Giày, dép các loại (23,9 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (16 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (12 tỷ USD) và thủy sản (10,9 tỷ USD).
Nguồn: Tham luận tại Hội nghị logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị, ngày 28/6/2023.