Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Xây dựng đã nhận định thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án, cắt giảm lao động.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có khoảng 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 22,6% và số doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 và vốn đăng ký mới của doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trầm trọng trong tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn mất cân đối, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá vừa túi tiền. Cụ thể trong 6 tháng qua, cả nước mới hoàn thành 25 dự án nhà ở thương mại với khoảng 10.000 căn, chỉ bằng 50% so với 06 tháng cuối 2022 và hiện đang triển khai thực hiện 659 dự án, giảm 39,6% so với 06 tháng cuối 2022; số dự án được chấp thuận đầu tư chỉ có 23 dự án, giảm 70,59% so với 06 tháng cuối 2022 và chỉ có 30 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bằng 37,5% so với 06 tháng cuối năm 2022.
Với phân khúc bất động sản phục vụ lưu trú có 56 dự án với 25.368 căn đang triển khai trên cả nước, gồm 20.470 căn hộ du lịch, 4.616 căn biệt thự du lịch và 282 căn văn phòng kết hợp lưu trú, giảm 55,6% so với quý 4/2022 và chỉ có 1 dự án được cấp phép mới, bằng 25% so với quý 4/2022.
Về số lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm, tổng cộng chỉ có khoảng 187.000 giao dịch thành công, giảm 63,87%, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền, trong đó số lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm đến 59,31% so với 06 tháng cuối năm 2022.
Cũng theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng cuối năm 2023 tổng giá trị trái phiếu đến hạn lên đến khoảng 158.500 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản đến hạn với giá trị 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%, tiếp theo là nhóm trái phiếu ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%.
Cần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp
Theo HoREA, trong tình thế thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn hiện nay thì giải pháp tín dụng là giải pháp có tính “đột phá” và có tính “lan tỏa” nhanh nhất, rộng khắp nhất, nên đây là một quyết sách rất quan trọng của Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho “Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả (…) để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (…).
Để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) (…), bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân (…); có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội”.
Để doanh nghiệp bất động sản thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư 08/2020/TT-NHNN để thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ”