Chính sách tiền tiền tệ nên chuyển trạng thái

Trung Đức (tổng hợp)|15/05/2023 16:03

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối; giải ngân FDI ổn định; tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi lãi suất đồng VND cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền VND…

Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" đã được phối hợp tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Đây là sự kiện thường niên với sự tham dự của Lãnh đạo NHNN, đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia uy tin trong và ngoài nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư...

Khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ

ha-1-sbv-vlr-15052023.png
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2025 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong Đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng.

Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao; thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: (i) làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; (ii) vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; (iii) vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra. Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi tích cực, tăng trưởng cao 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam, mặt bằng lãi suất sau khi tăng trong năm 2022 do áp lực trong và ngoài nước đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái

ha-2-sbv-vlr-15052023.png
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm nay, các diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ bức tranh về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bài học rút ra trong điều hành CSTT năm 2022 cũng như nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt trong năm 2023, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các diễn giả cho rằng, trong thời gian tới vẫn còn những yếu tố cần lưu ý đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, cần được theo dõi sát như: Tác động khó lường của việc Trung Quốc mở cửa kinh tế, chính sách cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của OPEC+, bất ổn địa chính trị… sẽ tác động lên giá cả hàng hóa thế giới. Trường hợp lạm phát trong nước được kiểm soát theo mục tiêu, thị trường ngoại tệ ổn định, các diễn giải mong muốn NHNN tiếp tục chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ, biện pháp chính sách tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Nhận định về những áp lực từ thị trường tài chính tới các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, những áp lực từ thị trường tài chính nói chung mà giới kinh doanh đang đối mặt là: (i) áp lực trả nợ vay và lãi vay do sản xuất kinh doanh khó khăn; (ii) Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao; (iii) nhu cầu vốn lớn cho chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như EU, Mỹ…

Theo ông Trương Văn Cẩm, áp lực tài chính năm nay lớn hơn nhiều so với năm 2022. Bởi vì, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào, giá tốt. Mặc dù từ cuối quý II/2022 các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng nhìn tổng thể cả năm chưa phải là một bức tranh ảm đạm. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, áp lực tài chính xuất hiện từ cuối năm 2022 tiếp tục tác động tiêu cực đến SXKD của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn dự trữ hoặc đã phải sa thải nhân công, giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng để duy trì lực lượng lao động.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối; giải ngân FDI ổn định; tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi lãi suất đồng VND cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền VND… NHNN đã mua ngoại tệ giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, do đó, áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ vơi đi.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng; Giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ; Đồng thời hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD. Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống COVID-19.

Bà Hà Thị Kim Nga - chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gợi ý, các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản. Theo bà Nga, tỷ giá đã dịu đi, chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng và lạm phát có thể đã tiệm cận đến điểm bước ngoặt.

ha-3-sbv-vlr-15052023.png
Bà Hà Thị Kim Nga - chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát biểu tại Diễn đàn

Nhìn chung, các diễn giả đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN trong thời gian qua. Các diễn giả cho rằng, Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại lớn, do đó nền kinh tế nói chung cũng như điều hành CSTT nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ cả diễn biến trong và ngoài nước.

Trong đó, nền kinh tế có các yếu tố thuận lợi là: (i) Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững trong nhiều năm qua, ngay cả trong giai đoạn lạm phát toàn cầu tăng cao, giúp ổn định kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; (ii) Tình trạng gián đoạn nguồn cung trong và ngoài nước dần được khắc phục, giá cả thế giới ổn định hơn năm 2022 giúp giảm áp lực phía cung lên lạm phát; (iii) Áp lực trên thị trường tiền tệ thế giới đã giảm bớt sau khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed dự kiến chấm dứt, USD thế giới giảm giá, từ đó giảm áp lực lên điều hành lãi suất, tỷ giá trong nước.

Cùng với các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: (i) Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp và có rủi ro suy thoái, thương mại toàn cầu giảm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2023, dẫn đến giảm cầu tín dụng; (ii) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trong nước khó khăn tạo áp lực lên tín dụng ngân hàng, trong khi đó tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam cao nhất so với các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng do đó việc tiếp tục đẩy mạnh tăng tưởng tín dụng có thể tiềm ẩn rủi ro tài chính. (iii) Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Theo các diễn giả trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến số bất định, còn nội tại nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vưởng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trưởng bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp,... do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng.

Theo sbv.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Doanh nghiệp cần có gì để mở chuỗi cửa hàng thành công?
    Cộng đồng thương mại điện tử (TMĐT) Beecom đã tổ chức hội thảo “Mở chuỗi cửa hàng thành công: Kinh nghiệm và chiến lược đột phá” nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển hệ thống, mở rộng chuỗi cửa hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền tiền tệ nên chuyển trạng thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO