Để Nghệ An trở thành "đầu tàu" kinh tế Bắc Trung bộ

Duy Ngợi|22/03/2023 10:23

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An vừa tổ chức Tọa đàm khoa học định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhân sự kiện Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Từng bước định hình trung tâm kinh tế khu vực

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, mục đích của Tọa đàm là nhằm thống nhất chung các nhận thức, xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

toadam-na1-compressed.jpeg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi Toạ đàm

Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2022 và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Bộ Chính trị và đã được thông qua trong kế hoạch công tác của toàn khóa.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy Nghệ An đã dành nhiều thời gian, công sức để triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được ưu tiên hàng đầu.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt.

Quy mô nền kinh tế Nghệ An hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022 tăng 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu...

Đề xuất nhiều giải pháp để Nghệ An phát triển

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, sự phát triển của Nghệ An phải gắn với sự phát triển chung của thời đại, với tầm nhìn mới, phương pháp mới, có tính đột phá, đặc biệt là phải có khát vọng mới.

dji_0210-compressed.jpeg

Ông Trương Đình Tuyển chỉ ra tầm quan trọng của sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và nêu vai trò quan trọng trong việc ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghệ An phải ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải cách hành chính.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, để phát triển Nghệ An phải xác định rõ những lợi thế của mình. Hiện nay, Nghệ An đã phát triển hạ tầng đồng bộ; chăm lo tốt các vấn đề văn hóa – xã hội; công tác khoanh nuôi bảo vệ, chăm sóc rừng tốt; chăm lo tốt sinh thái và môi trường đô thị; nội bộ đoàn kết, dân yên... Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn thấp; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh khác; không có khu công nghiệp công nghệ thông tin. Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo.

Ông Lê Doãn Hợp đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An phải ra nghị quyết giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu, sớm đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo. Xây dựng khu công nghiệp để phát triển các lĩnh vực Nghệ An có lợi thế; tôn vinh các di tích lịch sử để phát triển du lịch; nâng cấp các trường đại học ở Nghệ An để đáp ứng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, tỉnh phải quyết liệt hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư, phải đi tìm kiếm các nhà đầu tư. Trong cơ chế thu hút đầu tư nên ưu tiên đầu tư các doanh nghiệp quốc tế; các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và thu
hút các doanh nghiệp người Nghệ An về đầu tư.

Nghệ An nên đề xuất Trung ương 2 nội dung: Cho phép thi tuyển 4 chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã và Giám đốc các sở. Đầu tư cho đại lộ Đông - Tây nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma. Bên cạnh đó, nội bộ tỉnh phải đoàn kết, quyết liệt hơn; khai thác được vốn liếng của các doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp nước ngoài; khai thác trí thức của người Nghệ An ở ngoại tỉnh.

toadam-na2-compressed.jpeg
Quang cảnh buổi Toạ đàm

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần phát triển Vinh thành đô thị biển. Trong báo cáo cần gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ; mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn mới phải có tính thực tiễn. Tỉnh cần phát triển hệ thống logistics, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; định hướng sâu hơn về phát triển kinh tế biển; xác định các trọng tâm, trọng điểm nông nghiêp; phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược...

Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, các đại biểu thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Để Nghệ An trở thành "đầu tàu" kinh tế Bắc Trung bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO