Kỳ lân (tiếng Anh: unicorn) là thuật ngữ trong tài chính chỉ về một công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỉ USD. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2013 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee, chọn con vật thần thoại để đại diện cho sự hiếm có về mặt thống kê của các dự án thành công như vậy.
Theo Bloomberg, giá trị cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất của châu Á đã giảm khoảng 40% trong nửa đầu năm 2022. Điều này xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh liện tục thực hiện những đợt thắt chặt quy định và kinh tế toàn cầu suy thoái.
Theo AJ Patel, thành viên cấp cao của nhóm đầu tư mạo hiểm thuộc công ty tư vấn Setter Capital có trụ sở tại Toronto, các công ty trị giá hàng tỷ USD bị ảnh hưởng bị ảnh hưởng, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ tài chính, thương mại điện tử cho đến di động và tiêu dùng.AJ Patel cho biết, nhu cầu đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) khá hạn chế, thậm chí giá chào mua thấp hơn từ 25% đến 50% so với mức định giá gây quỹ mới nhất của các công ty. Theo công ty nghiên cứu Preqin, châu Á đã thu hút hơn 1.000 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm kể từ năm 2012, hỗ trợ định giá cho cả ByteDance lẫn Shein. Tuy nhiên, cả hai hiện đang giao dịch với mức chiết khấu đáng kể.
“Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở Bắc Mỹ vì lo ngại về môi trường pháp lý của Trung Quốc”, AJ Patel nói.
Khu vực châu Á chiếm 28% trong số 1.170 doanh nghiệp tư nhân có giá trị trên 1 tỷ USD trên thế giới, theo danh sách kỳ lân toàn cầu của CB Insights. Riêng Trung Quốc đã là quê hương của 174 kỳ lân và thị trường có nhiều công ty khởi nghiệp thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Bloomberg cho biết, ByteDance, công ty mẹ TikTok, hiện đã tuột mốc 300 tỷ USD vốn hóa, giảm ít nhất 25% so với mức định giá hồi năm ngoái. Trong khi đó, nhà bán lẻ thời trang Shein đang có giá rẻ hơn 30% so với mức định giá 100 tỷ USD vào tháng 4. Và đà giảm dường như chưa dừng lại khi chuyên gia nhận định quý III có thể sẽ tiếp tục giảm.
AJ Patel cho biết, sẽ có những đợt điều chỉnh hoặc các kỳ lân sẽ định giá lại cổ phiếu của mình thấp hơn để báo cáo nội bộ. Mặt khác, các quỹ tương hỗ công khai sẽ rà soát lại danh mục đầu tư với mức định giá thấp hơn trong kỳ tái cơ cấu quý III.
Dòng tiền đầu tư toàn cầu đang ngày càng thận trọng. Theo đó, dòng vốn vào các thị trường Châu Á khác phân hóa, như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam ghi nhận vào ròng vào tháng 6, trong khi đó Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan rút ròng. Tuy nhiên, điểm chung là dòng tiền cũng đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước.
Mặc dù thị trường cổ phiếu ở các quốc gia phát triển đã ghi nhận mức sụt giảm 6 tháng đầu năm mạnh nhất trong vòng 50 năm qua và dư địa cho việc giảm mạnh hơn nữa sẽ bị hạn chế, việc xác định được đáy thị trường chưa bao giờ là dễ dàng, và do vậy dòng vốn vào các tài sản tài chính tiếp tục trạng thái chờ giải ngân cho đến khi có các tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính.
Nhìn chung, xu hướng yếu đi của dòng vốn toàn cầu cũng khiến cho dòng vốn vào Việt Nam khó có thể xuất hiện sự bứt phá, đặc biệt là khi rủi ro về tăng trưởng cũng như lạm phát của kinh tế thế giới chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng.