Ngành ngân hàng “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”

Trần Trình Lãm|04/08/2022 11:18

Sáng 4/8, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức. Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

ngan-hang2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tài chính - Ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số như: hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số; thường xuyên quan tâm việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.

Về phía các tổ chức tín dụng, với tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số được chú trọng.

Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong 6 tháng đầu năm 2022: giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động… Theo đó, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động liên tục Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử…

Bài liên quan
  • Dữ liệu thông minh cung cấp thông tin cho người gửi hàng
    Một ứng dụng mới "Biết sản phẩm của bạn", được ra mắt bởi nền tảng SaaS chuỗi cung ứng Topo, nhằm mục đích đẩy nhanh việc tuân thủ các quy định địa phương về an toàn sản phẩm, phát thải phạm vi 3 và chế độ nô lệ hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngành ngân hàng “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO