Giải pháp tái cấu trúc không gian vùng du lịch của Đà Lạt

Anh Phong|05/02/2024 11:58

Tại Hội thảo khoa học về Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, ông Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã mang đến một số giải pháp cụ thể cho tổ chức tái cấu trúc không gian vùng du lịch.

ha-1-du-lich-05022024.png
Ông Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trình bày tại Hội thảo khoa học về Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Ông Nguyễn Thu Phong cho rằng, tổ chức quy hoạch phân vùng du lịch là hết sức quan trọng, làm rõ các tiềm năng cơ hội phát triển từng địa điểm trong tổng thể chung tạo nên một kịch bản phát triển tầm vóc và ổn định trong tương lai. Các phân vùng sẽ cần có quy định chi tiết vè loại hình sản phẩm du lịch kêu gọi đầu tư, các chỉ số xây dựng xác định nghiêm ngặt cụ thể, phân tích lưu lượng du khách, khả năng hạ tầng đáp ứng và mức tác động môi trường hợp lý. Quản lý chặt theo kịch bản và hài hòa phát triển sẽ tạo thế mạnh vượt bậc cho Đà Lạt đạt các mục tiêu chọn lọc, quy hoạch đối tượng khách và tăng giá trị gia tăng.

Giải pháp tái cấu trúc không gian vùng du lịch

Đối với du lịch dưới tán rừng, du lịch sinh thái: Đây là dư địa phát triển tốt, dựa trên tiềm năng sẵn có đặc biệt phân bố tại các vùng phụ cận, việc phát triển chuẩn mực, can thiệp xây dựng ít, chủ yếu tập trung trải nghiệm về hoạt động con người với thiên nhiên sẽ thu hút du khách và phát triển các loại hình du lịch vào ban ngày, phân tấn lượng khách vào trung tâm. Nguồn thu mới cũng được gia tăng từ các hoạt động du lịch xanh này.

Đối với các khu vực phát triển mới tập trung (Lạc Dương, Đại Ninh, không gian khu vực Prenn - Núi Voi…): Xây dựng các khu du lịch tổng hợp đa chức năng, phân khúc trung cao, nhiều mô hình sản phẩm du lịch phổ thông nhưng chọn lọc, đầu tư kỹ lưỡng, đa dạng nhưng có cá tính bản sắc riêng hạn chế trùng lặp với các sản phẩm đã bị bão hòa.

Đối với khu vực trung tâm đô thị di sản: Hạn chế phát triển mới các cơ sở du lịch lưu trú, các điểm du lịch tập trung đông người; nâng cao chất lượng hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch đạt chuẩn về chất lượng, khả năng đón tiếp, bãi xe, thoát người; tính toán kỹ lưu lượng du khách, luồng giao thông hợp lý các dịp lễ lớn, sàng lọc giữ các cơ sở du lịch đạt chuẩn, đầu tư mới các hạ tầng du lịch mang tính văn hóa, thương mại dịch vụ còn thiếu.

Đối với khu vực không gian vùng du lịch trọng điểm (Tuyền Lâm, Dankia - Suối Vàng): Thiết lập quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, tập trung tạo thành quần thể nghỉ dưỡng cao cấp hoàn chỉnh về cấu trúc, sàng lọc đối tượng khách, mật độ xây dựng thấp, bảo vệ cảnh quan nghiêm ngặt, hướng đến trở thành những viên ngọc du lịch đẳng cấp dẫn đầu trong tổng thể vùng đô thị du lịch.

Đối với các khu vực đô thị và điểm dân cư, điểm sản xuất nông nghiệp ngoại vi: Tổ chức quản lý chặt chẽ, khuyến khích điều hướng chất lượng các điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện phát triển đa dạng nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản, tránh tự phát lan tràn cạnh tranh không kiểm soát. Các loại hình du lịch xen kẽ thôn xóm, nhà ở và đất canh tác luôn hấp dẫn du khách nhưng đâu là tỷ lệ phát triển hợp lý cần nhiều nghiên cứu thêm.

Bài liên quan
  • Lâm Đồng: Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý”
    Sáng 15/9, tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (9A, Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam /Dioxin Việt Nam và Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức khai mạc Triển lãm “Da cam- Lương tri và Công lý’- Lâm Đồng 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tái cấu trúc không gian vùng du lịch của Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO