Hoàn thiện hạ tầng để gỡ ‘nút thắt’ cho kinh tế biển Nghệ An

Duy Ngợi|16/01/2024 09:59

Biển và vùng ven biển được xem là một lợi thế vượt trội của Nghệ An. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa có tính đột phá, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.

cangnghetinh1.jpg
Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển

Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông mặt nước do địa phương quản lý.

Năm 2021, tỷ trọng GRDP 6 địa phương vùng ven biển của tỉnh Nghệ An gồm Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và TP. Vinh (quy hoạch thành đô thị biển) đã đóng góp đến 50,44% GRDP của cả tỉnh; 15 địa phương còn lại chỉ chiếm 49,56%. Do vậy, vùng ven biển đang là động lực rất quan trọng cho kinh tế Nghệ An phát triển.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa có tính đột phá. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hàng năm còn thấp (tốc độ tăng trưởng của vùng ven biển, chưa bao gồm TP. Vinh, năm 2021 là 5,95%, trong khi cả tỉnh Nghệ An là 6,06%).

Ngoài ra, việc thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn vào phát triển kinh tế biển còn gặp khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã bố trí kế hoạch tập trung đầu tư các dự án động lực phát triển vùng kinh tế biển như Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò với số vốn 3.400 tỷ đồng; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng ven biển thuộc địa bàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với số vốn 1.050 tỷ đồng, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò với số vốn 465 tỷ đồng…

Được biết, từ năm 2020, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận, việc quy hoạch và xây dựng cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận. UBND tỉnh Nghệ An xác định, hệ thống hạ tầng cảng biển đang là điểm nghẽn, là một trong những “nút thắt” hạ tầng chiến lược của tỉnh. Trong khi đó, dư địa để phát triển cảng biển còn rất lớn, nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao. Các cảng biển trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt.

kinhtebien-na1.jpg
Hạ tầng cảng biển Nghệ An còn yếu và thiếu

Ngày 24/7/2022, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Thái Thanh Quý đề cập, hiện nay, Nghệ An đang gặp điểm nghẽn rất lớn trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về cảng biển nước sâu và mở rộng sân bay Vinh.

Đối với việc đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, rà soát tổng thể quy hoạch mặt bằng công năng khu vực cảng; trên cơ sở đó, hướng dẫn tỉnh Nghệ An hoàn thiện thủ tục và thực hiện dự án theo đúng quy định; ưu tiên các phương án huy động nguồn lực đầu tư từ phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa…

Hạ tầng cảng biển Nghệ An tuy cơ bản được đầu tư, khai thác theo đúng quy hoạch được duyệt; năng lực và tổ chức khai thác cảng có hiệu quả như đưa vào sử dụng bến số 5 của cảng Cửa Lò; cảng xăng dầu DKC (thuộc Công ty cổ phần Thiên Minh Đức); cảng Vissai phục vụ vận chuyển xi măng... nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, việc đầu tư hạ tầng bến cảng tại khu vực Nghệ An còn chưa được như quy hoạch; bến cảng tổng hợp và container phía Bắc Cửa Lò đã khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa xây dựng.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An khuyến khích, tạo điều kiện để triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt, cũng như kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển dùng chung (luồng tàu, đê chắn sóng) tại Bắc Cửa Lò, Đông Hồi...

kinhtebien-na2.jpg
Hệ thống Cảng biển Cửa Lò nhiều năm nay chưa được đầu tư tương xứng nên con số tăng trưởng năng lực hàng hoá xuất nhập khẩu tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế

Trong 4 hành lang kinh tế, phải nói rõ và nhấn mạnh, hành lang ven biển phía Đông, trong đó, hành lang Quốc lộ 1 (gồm Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An và đường sắt Bắc - Nam) là đô thị - công nghiệp - dịch vụ tổng hợp, kết hợp hành lang ven biển. Hành lang này chính là khai thác không gian biển.

Việc phát triển hành lang kinh tế ven biển sẽ gắn với phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; có sự liên kết với các hành lang kinh tế còn lại làm động lực phát triển của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 và Hành lang kinh tế Quốc lộ 48; gắn với đó là tạo sự liên kết lãnh thổ gắn với biển theo hướng Đông – Tây (Lào – cửa khẩu – cảng biển và miền Tây – biển); hướng Bắc – Nam (với Thanh Hóa, Hà Tĩnh) để có thể tạo nên sự hợp tác phân công lao động giữa các tiểu vùng cũng như giữa các tỉnh với nhau; xây dựng cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Để thúc đẩy kinh tế biển, tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 8/2/2023, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, địa phương có 4 thứ tự ưu tiên; trong đó, mục tiêu số một là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng.

Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư cảng biển nước sâu, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh, đường ven biển, đường kết nối Vinh - Cửa Lò, các đường trục ngang.

kinhtebien-na3.jpg
Nghệ An cần hoàn thiện hạ tầng để gỡ 'nút thắt' cho kinh tế biển

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tỉnh tiếp tục phát triển các khu công nghiệp ven biển VSIP Nghệ An II ở Diễn Châu, mở rộng Khu công nghiệp WHA ở Nghi Lộc và phát triển các khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt 1, 2 ở thị xã Hoàng Mai.

Đồng thời, để phát triển công nghiệp ven biển, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư hạ tầng tốt về đầu tư để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các khu kinh tế khác và đặc biệt chú ý phát triển logistics, vận tải biển. Các chính sách như ưu đãi thuế, đất đai… thậm chí còn phải mạnh hơn các khu vực khác.

Cuối cùng là tập trung phát triển du lịch ven biển, đô thị biển và đầu tư cho đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy - hải sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hạ tầng để gỡ ‘nút thắt’ cho kinh tế biển Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO