Quyết định 221: Xung lực mới cho ngành logistics Việt Nam

Nguyễn Tương|18/03/2021 14:49

(VLR) Ngày 22/02/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 221 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Quyết định 221 ra đời nhằm tạo nên một xung lực mới cho ngành logistics khi bước vào thời kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045.

Khẳng định 5 nhóm nhiệm vụ lớn

Quyết định 221 vẫn khẳng định 5 nhóm nhiệm vụ lớn cần thực hiện là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; và Đào tạo, nâng cao các nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực - với 61 nhiệm vụ cụ thể, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) được phân công là Cơ quan chủ trì thực hiên 12 nhiệm vụ và phối hợp thực hiện 22 nhiệm vụ. Trước đó, Hiệp hội VLA đã tích cực tham gia ý kiến với Bộ Công Thương trong quá trình chuẩn bị việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 200, nhất là các vấn đề về 5 mục tiêu, chuyển đổi số, đào tạo, vai trò của Hiệp hội và xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics quốc gia.

Điều chỉnh mục tiêu cụ thể

Quyết định 221 sửa đổi và khẳng định lại mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6% (Quyết định 200 là 8% - 10%), tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Năm 2018, trước dịch COVID-19, trừ chỉ tiêu đóng góp vào GDP chưa đạt, còn 4 chỉ tiêu sau, cơ bản chúng ta đã đạt được.

Mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp

Quyết định nêu rõ mục tiêu số 28 là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ nông nghiêp với nội dung cụ thể: “Quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống kho bãi, trung tâm dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp... nối đến trung tâm logistics và cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu”. “Phát triển các trung tâm logistics hàng không, trong đó chú trọng trung tâm logistics nối dài ngoài sân bay, phục vụ các mặt hàng đặc biệt”. "Quyết định chú trọng việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics” (Số 33). Đây là những nhiệm vụ cụ thể rất quan trọng đối với Kế hoạch hành động của Hiệp hội VLA trong thời gian tới.

Về đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực

Quyết định 221 nhấn mạnh việc đào tạo ở cấp đại học (Số 46) và đào tạo nghề logistics (Số 47), đa dạng hóa hình thức đào tạo logistics (Số 48). Quyết định cũng nêu rõ việc thực hiện “Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics (Số 60)".

Bổ sung lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể

Năm 2020 - 2021: Rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Năm 2022: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Năm 2023: Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.

NĂM 2024: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.

NĂM 2025: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.

Ngoài ra, Quyết định còn quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện được đảm bảo từ các nguồn: ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo quyết định 221, Hiệp hội VLA được phân công là cơ quan chủ trì thực hiện 12 nhiệm vụ và phối hợp thực hiện 22 nhiệm vụ. Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, VLA sẽ xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện, trong đó tập trung các nội dung chính như:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các Hội viên hiểu biết và triển khai thực hiện Quyết định.

2. Có biện pháp phù hợp đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với các hình thức liên kết đào tạo. Chú trọng đào tạo pháp lý kinh doanh cho Hội viên.

3. Phát triển dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hàng không trong đó có cả việc thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng không chuyên biệt cho
nông sản.

4. Nghiên cứu xây dựng LPI nội địa, hình thành bộ chỉ số đánh giá hoạt động kinh doanh logistics, đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics.

5. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để Hội viên mở rộng thị trường kinh doanh.

6. Phối hợp với các địa phương trọng điểm như TP. HCM, TP. Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội... thực hiện có hiệu quả Quyết định 221.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quyết định 221: Xung lực mới cho ngành logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO