Tăng trưởng xuất khẩu sang Philippines
Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Philippines đã có bước tiến triển vượt bậc trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2017-2021, thương mại giữa hai nước đã tăng lên gấp 3 lần, đạt mức 7 tỷ USD năm 2021. Trong đó, XK gạo của Việt Nam sang Philippines đóng vai trò quan trọng, đạt 2 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD năm 2021. Thu hút đầu tư tư nhân của Philippines vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt mức trên 600 triệu USD trong thời gian gần đây.
8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với Philippines đạt gần 5,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch NK đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, Danh mục các mặt hàng XK của Việt Nam sang thị trường Philippines khá đa dạng, khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng như thủy sản, nông nghiệp, may mặc, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sản phẩm công nghiệp chế tạo, xây dựng, xi măng, sắt thép, máy móc, dụng cụ, đồ điện tử… Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản trong đó có gạo mới là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường XK sang thị trường Philippines tăng trưởng tốt, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu XK.
Gạo là mặt hàng XK chủ lực tạo vị thế vững chắc của Việt Nam tại thị trường Philippines. Trước đây, Việt Nam cạnh tranh cùng với Thái Lan trở thành 5 hai đối tác XK gạo lớn cho Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, sau khi Philippines thực hiện chính sách mở cửa, tự do hóa XNK và thương mại gạo thì Việt Nam trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 XK gạo vào Philippines.
Năm 2020, sản lượng gạo của Việt Nam XK sang Philippines đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 19% và kim ngạch XK lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Kết quả XK gạo là thành công lớn của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch XK gạo vào Philippines.
Do gạo của Việt Nam phù hợp thị hiếu, có lợi thế cạnh tranh nên trong các năm tiếp theo, Việt Nam được dự báo vẫn sẽ giữ vị trí số một, là nhà XK gạo chủ lực vào thị trường XK sang thị trường Philippines tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, với Chính phủ của tổng thống mới, dự báo sẽ có những điều chỉnh trong chính sách NK gạo của Philippines có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp của các nước XK gạo vào Philippines trong đó có Việt Nam.
Ngoài mặt hàng gạo, Philippines còn là thị trường có tiềm năng XK cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các loại nông sản tươi sống. Có nhiều mặt, ngành hàng Philippines có nhu cầu và Việt Nam có khả năng đáp ứng nhưng chưa được khơi thông như hoa quả tươi, giống cây trồng và con giống các loại.
Các sản phẩm công nghiệp nhẹ, phân bón, hóa chất, các loại dụng cụ, máy móc, chế tạo, sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, các sản phẩm công nghiệp nặng, vật liệu xây dựng… cũng có nhiều tiềm năng khai thác.
Thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Philippines
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Philippines, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubri đã khai mạc Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Philippines. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham gia đồng chủ trì Diễn đàn cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines George Bacelon và đại diện Bộ trưởng Bộ Công thương Philippines. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của trên 200 quan chức, doanh nghiệp Philippines và Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philippines đều đánh giá cao nỗ lực duy trì tăng trưởng và thúc đẩy thương mại, đầu tư của cả hai nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, hai bên đều thống nhất còn rất nhiều dư địa để tận dụng lợi thể, tăng cường tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Hai Chủ tịch đều bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp của hai nước sẽ nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội này.
Việt Nam và Philippines có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để bổ trợ cho nhau, qua đó thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai nước đều có quy mô dân số đủ lớn và tỷ lệ dân số trẻ cao, tăng trưởng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19, triển khai chính sách mở cửa để thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của hai nước có khả năng bổ trợ tốt cho nhau, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất và chế biến nông sản, kinh tế số và đổi mới sáng tạo qua đó tận dụng tốt cơ hội các hiệp định thương mại tự do đem lại cho mỗi nước.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua, duy trì tăng trưởng ổn định, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu cao. Nông sản của Việt Nam đã xuất hiện trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năng lực của các cơ quan kiểm dịch động thực vật của Việt Nam ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và uy tín của hàng nông sản Việt Nam.
Với thế mạnh hiện có, Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao để xuất khẩu lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và một số sản phẩm chăn nuôi sang Philippines. Ngược lại, Việt Nam cũng cần một số nông sản, thủy sản mà Philippines có thế mạnh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi ý thúc đẩy hợp tác thương mại gắn với đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hải sản và nuôi trồng trên biển.
Tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đều quan tâm về môi trường đầu tư và các lĩnh vực doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng cơ hội để bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Hai bên đều thống nhất cần nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội này, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà mỗi bên tham gia, tận dụng tốt xu hướng chung của thị trường toàn cầu cho tăng trưởng xanh, phát thải thấp và bền vững, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước.