Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành hàng xuất khẩu

Bảo Hân (tổng hợp) |03/08/2023 16:14

7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta đạt khoảng 195 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ có mức sụt giảm nhiều nhất.

ttxvn_2810_go_xuat_khau2.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 7/2023 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất, cụ thể 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.

Tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề Chủ đề: "Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày” do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CHLB Đức, Canada, Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày Việt Nam.

Thông tin về những chính sách mới tại nước sở tại, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU.

Chẳng hạn như với da giày, đại diện các doanh nghiệp da giày EU, khâu tạo ra nhiều carbon trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng carbon gián tiếp từ sau năm 2023). Do vậy, các doanh nghiệp da giày EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng.

Với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu tiềm năng của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn, ông Đỗ Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục, lấy lại đà tăng trưởng. Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất.

Để phát triển thị trường, doanh nghiệp ngành hàng cần ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Đối với thị trường Brazil, dù có những ảnh hưởng nhất định tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tuy vậy Brazil là thị có nhu cầu lớn và tương đối dễ tính, không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Tuy nhiên, trở ngại là khó khăn do chi phí logisitics, các phương tiện vận chuyển chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như Logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên. Sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường và bảo vệ thị trường trong nước, thị trường truyền thống.

Do đó, để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm gỗ, dệt may, da giày sang thị trường này cần triển khai trao đổi đoàn các cấp, Bộ Công Thương cần đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cữa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ. Theo đó, các cơ quan trong nước, nhất là Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ và các hội nghị xúc tiến hàng hóa khác tại địa bàn; các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần có dấu hiệu cải thiện. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong công tác phát triển thị trường.

det-may-0856(1).jpg
7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 195 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may da gày có mức sụt giảm nhiều nhất..

Thương vụ phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành hàng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO