Tóm tắt sự việc
Ngày 17/9/2018, Bên mua bảo hiểm (Nguyên đơn) ký với Doanh nghiệp bảo hiểm (Bị đơn) Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (“Hợp đồng”) cho thiết bị y tế (mới 100%) là máy chụp X-quang nha khoa Veraview IC5 HD (“Lô hàng”) được vận chuyển từ cảng/kho tại nước ngoài đến cảng/kho tại Việt Nam, số tiền bảo hiểm là 1.387.705.805 VND. Ngày 24/6/2020, Lô hàng được chuyển tiếp từ Hải Phòng đến kho của Nguyên đơn và có dấu hiệu các thùng carton số 7/15, 9/15 và 15/15 bị móp méo, xô lệch. Ngày 25/6/2020, Nguyên đơn gửi Thông báo tổn thất, và cùng ngày, Bị đơn chỉ định Công ty CTS (“CTS”) giám định để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
CTS cấp Chứng thư giám định số CTS 20011 đề ngày 14/10/2020. Theo đó, hàng hóa trong các kiện số 9/15 và 15/15 không bị tổn thất. Bao bì kiện số 7/15 bị tác động ngoại lực trong quá trình vận chuyển. Tuy vậy, giám định viên không thu thập được thông tin và bằng chứng về các yếu tố tác động, thời gian và địa điểm, biện pháp khắc phục... để làm cơ sở xác định nguyên nhân trực tiếp và chủ thể chịu trách nhiệm đối với vụ việc. Về kiện số 7/15, giám định viên xác định không có dấu hiệu xước, bẹp, vỡ, biến dạng; tính năng hoạt động của thiết bị chưa được ghi nhận do chưa được vận hành thử nghiệm.
Ngày 18/11/2020, Nguyên đơn gửi văn bản yêu cầu Bị đơn xác nhận về việc lựa chọn Nhà máy Morita tại Nhật Bản là đơn vị giám định độc lập và đồng ý với chi phí ước tính cho việc vận chuyển hàng đi và về nhà máy nêu trong Chứng thư giám định của CTS, nhưng không được chấp nhận. Ngày 18/01/2021, Nguyên đơn kiện Bị đơn tại Trọng tài, yêu cầu chi trả chi phí giám định và tiền lãi tính từ ngày 14/10/2020 tới ngày 13/01/2021. Vào cuối Phiên họp, Nguyên đơn nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện với yêu cầu mới là Bị đơn phải: (i) giải quyết tổn thất của Lô hàng với số tiền là 248.400.000 VND; và (ii) trả tiền lãi tính từ ngày 14/10/2020 tới ngày 22/10/2021 (tính tròn 01 năm) là 248.400.000 VND x 9%/năm = 22.356.000 VND.
Quan điểm và yêu cầu của nguyên đơn
Nguyên đơn cho rằng (i) máy chụp X-quang có bức xạ có thể gây hậu quả khó lường nếu đưa vào vận hành sau khi bị xô lệch, (ii) điều kiện kỹ thuật tại Việt Nam không đủ để xác định mức độ tổn thất. Vì vậy, ngày 21/9/2020 Nguyên đơn đã đề nghị đưa hàng hóa trong kiện số 7/15 về nơi sản xuất là Nhà máy ở Nhật Bản để xác định mức độ tổn thất. Nguyên đơn nhận thấy, căn cứ Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm (“Luật KDBH”): “1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu; 2. Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”, trong trường hợp này, CTS không đủ năng lực để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Ngoài ra, CTS còn yêu cầu Nguyên đơn phải vận hành thử loại máy có chứa tia phóng xạ X là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, việc đưa hàng hóa trong kiện số 7/15 tới một đơn vị thứ ba có đầy đủ trang thiết bị để kiểm tra là cần thiết đối với việc giám định thiệt hại. Ngoài ra, khoản 1 Điều48 Luật KDBH cũng quy định Bị đơn chịu chi phí giám định lần đầu. Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường 248.400.000 VND và 22.356.000 VND tiền lãi do chậm trả.
Quan điểm của bị đơn
Bị đơn cho rằng theo Chứng thư giám định số CTS 20011 thì “... có tổn thất ngoại quan đối với bao bì đóng gói - kiện số 7/15. Hàng hóa bên trong kiện là thiết bị chiếu tia X thuộc bộ máy chụp X-quang nha khoa - Veraview IC5 HD ... không có dấu hiệu bị xước, bẹp, vỡ, biến dạng, tính năng hoạt động của thiết bị chưa được ghi nhận do thiết bị chưa được vận hành thử nghiệm” và, nguyên nhân tổn thất như sau: “Lô hàng 05 bộ máy chụp X-quang nha khoa Veraview IC5 HD ... có kiện số 7/15 ... đã bị tác động ngoại lực đến bao bì hàng hóa trong quá trình hàng hóa được vận chuyển từ cảng Kobe, Nhật Bản đến kho của Công ty [Nguyên đơn] tại Hà Nội. Tuy nhiên giám định viên không thu thập được thông tin và bằng chứng về các yếu tố tác động, thời gian và địa điểm, biện pháp khắc phục, v.v. để làm cơ sở xác định nguyên nhân trực tiếp và chủ thể chịu trách nhiệm đối với vụ việc”. Bị đơn cho rằng kiện số 7/15 chỉ bị tác động của ngoại lực đến bao bì theo Biên bản giám định của CTS, theo Điều 48 Luật KDBH thì Bị đơn đã mời và trả phí giám định cho CTS, hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của khoản 1 Điều 48 Luật KDBH. Việc yêu cầu đưa hàng hóa trong kiện số 7/15 tới Nhật Bản để giám định lại là không có căn cứ theo khoản 2 Điều 48 Luật KDBH. Trong trường hợp này, Nguyên đơn cần yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập.
Bị đơn cho rằng theo Điều 304 Luật Thương mại 2005 (“Luật TM”) thì Nguyên đơn phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất, và theo Điều 303 của Luật TM thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Tuy vậy, các chi phí vận chuyển và hải quan từ công ty của Nguyên đơn tới nhà máy ở Nhật Bản (162.121.600 VND) là chi phí ước tính, chưa có thiệt hại thực tế. Đối với số tiền lãi (6.416.573 VND), Bị đơn phản đối vì Nguyên đơn không chứng minh được Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Về yêu cầu “đòi bồi thường tổn thất toàn bộ” (248.400.000 VND) và tiền lãi (22.356.000 VND), Bị đơn cho rằng căn cứ khoản 24.1 Điều 24 Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển (QTCB 2004) quy định tại Hợp đồng (“Quy tắc chung”), không có tổn thất toàn bộ thực tế vì kiện hàng 7/15 không bị phá hủy hoàn toàn hay hư hỏng nghiêm trọng, quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc Nguyên đơn.
Phán quyết trọng tài
Nguyên đơn nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, vì vậy, Hội đồng Trọng tài chỉ xem xét yêu cầu nêu tại đơn này. Về yêu cầu “giải quyết tổn thất” (248.400.000 VND), Nguyên đơn xác nhận đây là yêu cầu bồi thường tổn thất toàn bộ. Căn cứ khoản 24.1 Điều 24 Quy tắc chung thì “Tổn thất toàn bộ thực tế: ... nếu hàng hóa được bảo hiểm bị phá hủy hoàn toàn hay bị hư hỏng nghiêm trọng tới mức không còn là vật phẩm với tính chất ban đầu của nó nữa hoặc Người được bảo hiểm bị mất hẳn quyền sở hữu hàng hóa thì được coi là tổn thất toàn bộ thực tế”.
Nguyên đơn xác nhận đồng ý với kết quả giám định tổn thất hàng hóa nêu tại Chứng thư giám định hàng hóa CTS 20011. Hội đồng Trọng tài nhận thấy Mục 5 của Báo cáo giám định sơ bộ lần 2 ghi: “... thiết bị chiếu tia X trong kiện 7/15 không có dấu hiệu tổn thất ngoại quan...”. Mục 2.2 của Báo cáo giám định sơ bộ lần 3 nêu: “... kiện số 7/15 hàng hóa bên trong có tình trạng ngoại quan bình thường, không có dấu hiệu biến dạng, gãy vỡ hay xước...”. Theo Mục 7 Chứng thư nêu trên: “... có tổn thất ngoại quan đối với bao bì đóng gói - kiện số 7/15. Hàng hóa bên trong kiện ... không có dấu hiệu bị xước, bẹp, vỡ, biến dạng... ”, Nguyên đơn xác nhận kiện số 7/15 hiện đang được niêm phong từ ngày 19/8/2020, như vậy, Hội đồng Trọng tài cho rằng hàng hóa trong kiện số 7/15 không có các dấu hiệu của tổn thất toàn bộ thực tế theo quy định tại khoản 24.1 Điều 24 Quy tắc chung. Hội đồng Trọng tài nhận thấy tổn thất trong kiện số 7/15 cũng không thuộc tổn thất toàn bộ ước tính theo quy định tại khoản 24.2 Điều 24 Quy tắc chung vì không có khả năng xảy ra tổn thất toàn bộ thực tế như nêu trên đây và không có các chi phí ước tính cho việc cứu hàng, chỉnh sửa và gửi đến nơi ghi trong Hợp đồng có thể vượt quá giá trị hàng khi tới nơi nhận đó. Vì vậy, căn cứ khoản 24.1, 24.2 Điều 24 Quy tắc chung, Hội đồng Trọng tài bác yêu cầu đòi Bị đơn bồi thường tổn thất toàn bộ thực tế cũng như tổn thất toàn bộ ước tính đối với hàng hóa trong kiện số 7/15.
Về yêu cầu trả số tiền 22.356.000 VND, căn cứ Điều 306 Luật TM như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán ... thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó ...”, Hội đồng Trọng tài nhận thấy Bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán nên không làm phát sinh trách nhiệm trả tiền lãi. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài bác yêu cầu này của Nguyên đơn vì không có cơ sở. Kết luận: Hội đồng Trọng tài quyết định bác toàn bộ các yêu cầu của Nguyên đơn nêu trong Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 22/10/2021.
(*) Trọng tài viên VIAC