Quy mô dự án
Cảng Liên Chiểu là một trong những dự án trọng điểm được phê duyệt trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án được xây dựng trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) với tổng diện tích khoảng 540 ha; phát triển hậu cần cảng (trung tâm logistics) với tổng diện tích khoảng 195 ha.
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, là một hợp phần chính thuộc dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu.
Dự án thuộc loại hình công trình giao thông, nhóm A, có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng).
Về quy mô đầu tư xây dựng, dự án sẽ xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus cụ thể: Kè chắn sóng và đê chắn sóng dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); Luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải; Đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm Đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, quy mô 06 làn xe, bề rộng 30m và Đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), mỗi nhánh gồm 02 làn xe, bề rộng 8m; và Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.
Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2021 – tháng 12/2025, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 02 bến khởi động ban đầu.
Đồng bộ về kết cấu hạ tầng
Phát biểu tại Lễ khởi công dự án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền, nhà đầu tư và các bên liên quan phải lưu ý luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra, giải ngân vốn đầu tư công dành cho dự án đúng kế hoạch, nhanh chóng đưa dự án đi vào vận hành, khai thác nhằm phát huy hiệu quả dự án; thực hành nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư, an toàn trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới. Phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan. Đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm. Năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Việc khởi công dự án cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung sự kiện có ý nghĩa quan trọng để xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ cảng Liên Chiểu - cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng, là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và khu vực.