Xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng trưởng vào cuối năm

Báo Công Thương|28/05/2021 08:19

(VLR) Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao là những lý do khiến xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo đã đạt được những kết quả tích cực dù lượng có giảm nhưng giá xuất khẩu lại tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2021, với khối lượng đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu gạo bình quân trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, nhưng giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Sau Philippines, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4/2021 đã tăng mạnh 58,3% về lượng và 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cùng tăng như Trung Quốc, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bờ Biển Ngà tăng 121,1%; Cuba tăng 127,5%; Ảrập Xêút tăng 112%; Australia tăng 66%. Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Campuchia tăng tới 2.429%, đạt 14,53 nghìn tấn.

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhận được nhiều thuận lợi kép. Bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao. Điều này dẫn đến dự báo nhu cầu dự trữ gạo tại các nước sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua lúa gạo của các thị trường lớn như Phillippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea... Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, nước có dân số đông và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, hiện đã và đang khống chế được dịch Covid-19, hoạt động giao thương đưa gạo sang Trung Quốc hiện vẫn sôi động.

Ngoài ra, trong bối cảnh Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, mà cụ thể đã tác động đến việc xay xát và vận chuyển gạo ra cảng, trong khi đó, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và nguồn cung dồi dào nên có điệu kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu âu (EVFTA), EEC, UKFTA. Năm 2021, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định trên, gạo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại EU, Anh và các nước thuộc Liên minh Á–Âu.

Đặc biệt, mới đây, chính quyền Philippines đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng 1 năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Văn phòng Tổng thống đăng công báo là ngày 17/5/2021 và có thời hạn hiệu lực trong 1 năm. Đây là cơ hội cho gạo Việt tăng xuất khẩu sang Philippines – một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt.

Để tận dụng những cơ hội này, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, giảm tối đa các khâu trung gian ở cả đầu vào và đầu ra để hỗ trợ giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho gạo xuất khẩu. Hiện Bộ Công Thương – cơ quan quản lý về hoạt động xuất khẩu gạo đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực trong nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng trưởng vào cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO