Anh Sơn cần phát huy ưu thế để trở thành huyện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Duy Ngợi|03/08/2022 07:55

Ngày 2/8, trong chương trình làm việc tại huyện Anh Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã đi thăm một số nhà máy, công trình trên địa bàn huyện và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn.

chutich-na4.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thăm Nhà máy sản xuất gỗ ván sợ MDF.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác đã đến thăm Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF trong khu công nghiệp Tri Lễ tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn.

Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF trong khu công nghiệp Tri Lễ tại xã Khai Sơn do Công ty TNHH Thanh Thành Đạt làm chủ đầu tư. Ông Trần Quang Luận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho biết, giai đoạn đầu, các thủ tục đầu tư của dự án được triển khai rất thuận lợi, tuy nhiên do đường giao thông vào khu công nghiệp chậm hoàn thành và trong hai năm vừa qua do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên tiến độ của dự án có chậm so với kết hoạch ban đầu. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sản xuất gỗ plywood có công suất 69.000m3/năm vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng hiện đang đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động ở Quý II/2023; giai đoạn 2 sản xuất gỗ MDF, HDF với công suất 360.000 m3/năm và gỗ ván thanh 2.400 m3/năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý III/2025.

Qua kiểm tra, và nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện các hạng mục công trình của dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF để đưa vào sử dụng đúng với tiến độ đã đề ra. Trong quá trình triển khai dự án có khó khăn vướng mắc, yêu cầu huyện Anh Sơn cần quan tâm tập trung giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, với UBND tỉnh cũng như các địa phương, các ngành dù nhà đầu tư là ai nhưng khi vào đầu tư tại địa bàn đều được quan tâm, đồng hành, hỗ trợ để chủ đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Quá trình triển khai xây dựng và vận hành Nhà máy đề nghị nhà đầu tư tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là hoạt động sản xuất phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, quan tâm ưu tiên tạo việc làm ổn định, có thu nhập cũng như môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho lao động địa phương.

chutich-na3.jpg
Ông Nguyễn Đức Trung tham quan Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác đã đến thăm Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn, (trước đây là công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn). Công ty sản xuất tinh bột sắn và đường Glucose. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song vượt qua khó khăn, Công ty đã duy trì hoạt động sản xuất tinh bột sắn đạt 35.000 tấn; sản xuất đường Glucose đạt 14.000 tấn; mang lại doanh thu 590 tỷ đồng. Hiện công ty có 200 lao động làm việc ổn định với thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/tháng.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn công tác đã đến thăm Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam đứng chân trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn.

Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam tiền thân là Nhà máy đường Sông Lam được xây dựng từ năm 1958 và đi vào hoạt động từ năm 1960 tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có công suất ban đầu là 350 tấn mía/ngày và 50.000 lít cồn thực phẩm/năm. Từ năm 2015 đến nay, Công ty đã đầu tư xây dựng thêm 1 dây chuyền sản xuất phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm trong khuôn viên nhà máy để xử lý lượng bùn tro, bã mía phát sinh. Hiện tại, Công ty có 1 dây chuyền sản xuất chế biến đường với công suất 1.500 tấn mía/ngày; 1 dây chuyền sản xuất phân vi sinh với công suất 5.000 tấn phân/năm; 1 dây chuyền sản xuất cồn với công suất hơn 1 triệu lít cồn thực phẩm/năm.

chutich-na2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nghe báo cáo về quy trình sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam.

Ngoài nhà máy sản xuất đường, cồn, phân bón, Công ty đã đầu tư mở rộng thêm nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: Xây dựng nhà máy sản xuất chế biến chè, xây dựng các khu đô thị... Công ty đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 300 cán bộ công nhân viên với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định đời sống người dân các huyện vùng nguyên liệu.

Anh Sơn cần phát huy ưu thế nông lâm nghiệp để trở thành huyện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn. Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Hoàng Quyền cho biết, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng đại dịch COVID -19, toàn huyện đã nỗ lực, cố gắng để kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, huyện có 21/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,88%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,2 triệu đồng/ người/ năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 112 tỷ đồng, vượt 79% dự toán tỉnh giao, 32% dự toán huyện giao và tăng 23,5% so với cùng kỳ.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo huyện Anh Sơn cần phát huy ưu thế nông lâm nghiệp để Anh Sơn trở thành huyện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.

Về phát triển kinh tế, theo ông Nguyễn Đức Trung, tuy Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện định hướng giảm dần tỷ lệ khu vực nông lâm nghiệp, song nông lâm nghiệp vẫn là ưu thế của huyện cần tập trung đầu tư phát triển. Trong đó, nên cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, an toàn; phát huy hiệu quả và nâng cao giá trị vùng nguyên liệu đã được hình thành như chè, mía, sắn; gắn chặt chẽ từ khâu trồng, chế biến, tiêu thụ.

Cùng với đó, huyện cần hình thành các mô hình chăn nuôi lớn; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chương trình OCOP. Anh Sơn phải là một trong những huyện đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm sao để Anh Sơn trở thành huyện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong sản xuất công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lưu ý, huyện Anh Sơn cần gắn phát triển công nghiệp với chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp; công nghiệp sản xuất xây dựng gắn với vùng nguyên liệu để đảm bảo sự phát triển bền vững trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, cần quan tâm hình thành trung tâm thương mại tại các chợ để thúc đẩy giao thương trên địa bàn; phát huy vùng đất có truyền thống văn hóa, có nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn để bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh, du lịch về nguồn.

Trong thu hút đầu tư cần có lựa chọn, kêu gọi đầu tư hiệu quả, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường. Trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, huyện cần phối hợp với các Sở, ngành thực hiện có hiệu quả; rà soát các danh mục dự án, thực hiện lồng ghép sử dụng nguồn lực; thường xuyên kiểm tra, rà soát để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng quy định, đạt được mục tiêu phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Anh Sơn cần phát huy ưu thế để trở thành huyện nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO