"Bức tranh" vận tải trong chuỗi giá trị Logistics Việt Nam

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |14/04/2023 21:03

Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước nhưng vẫn sụt giảm khoảng 30% so với trước dịch. Còn vận chuyển hàng hóa vẫn giữ đà tăng trưởng khả quan so với năm trước và thời kỳ trước dịch...

"Bức tranh" vận tải năm 2022

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến hết 31/12/2022, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

chanmay1.jpg
Mein Schiff 5 hãng tàu quốc tế hạng sang thuộc quốc tịch Malta với hành trình Phú Mỹ - Chân Mây và Hạ Long đã đưa hơn 2.200 du khách và gần 900 thủy thủ đoàn đã đến cập cảng Chân Mây, ngày 24/3/2023

Trong đó, vận chuyển hàng hóa 12 tháng các ngành đều tăng: hàng không tăng trưởng 3%, đường bộ tăng trưởng 22,7%, đường thủy tăng 26,9%, đường biển tăng trưởng 27,9%, đường sắt tăng trưởng 9%.

Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ HK.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng các ngành: hàng không tăng 224,6%, đường biển tăng 56,7%, đường sắt tăng 205,6%, đường bộ tăng 51,6%, đường thủy tăng 52,9%.

Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 3.658,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,6% so với năm trước và 155,4 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 62,4%. Đáng chú ý, vận tải ngoài nước ước đạt 5,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng trưởng bùng nổ so với cùng kỳ với mức tăng 32,6 lần và 16,4 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 27 lần năm trước.

Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu.

12-29-1.png
Vận tải hành khách có nhiều khởi sắc, với sự trở lại của vận tải đường sắt và đường hàng không.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm 72,93% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển trong tháng 9/2022, đứng thứ hai là đường thủy nội địa với 21,73%. Bị bỏ cách rất xa về tỷ trọng là đường biển với 5,13% trong khi tỷ trọng của vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường hàng không vẫn rất thấp ở mức 0,23% và 0,01%.

Nhằm góp phần hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh vận tải trước những khó khăn do COVID-19 cũng như biến động của giá nhiên liệu trong thời gian qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2022/TT-BTC ngày 29/9/2022, quy định giảm từ 20-50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải. Cụ thể, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; Phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; Lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Thông tư cũng giảm 20% mức thu đối với 7/10 nội dung thu phí trong 2 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; Cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; Phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Bên cạnh đó, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, Thông tư cũng giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12/2022. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá cước của lĩnh vực vận tải trong những tháng cuối năm (VITIC, 2022b).

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022 về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải các-bon và mê-tan trong giao thông vận tải đến năm 2050, ngành GTVT sẽ tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng xanh để không phát thải vào năm 2050, trong đó chuyển đổi năng lượng được coi là cơ hội để ngànhGTVT phát triển bền vững, bắt kịp xu thế phát triển tiên tiến và phát triển toàn cầu. Theo đó, các phương tiện chạy bằng nhiên liệu diesel sẽ dần được thay thế chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050 (VITIC, 2022b).

Về dịch vụ vận tải đường bộ

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2022, vận tải hàng hóa bằng đường bộ đạt 1,11 tỷ tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 73,1 tỷ tấn.km, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ GTVT, giá cước của các lĩnh vực vận tải cuối quý III/2022 bắt đầu được điều chỉnh giảm do Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp để điều hành giảm giá nhiên liệu nhằm bình ổn giá trên thị trường. Phần lớn các doanh nghiệp đã xây dựng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng giảm khi giá xăng dầu giảm và giữ ổn định trong thời gian dài.

Tháng 9/2022, Bộ GTVT đã khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn cuối cùng trong tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600 km từ Lào Cai tới Quảng Ninh, kết nối Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Đồng thời, với tuyến đường này và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn, 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc (Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái) cũng được kết nối. Tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á -Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc. Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, từ đó, gia tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế (Bộ Giao thông vận tải, 2022).

Về dịch vụ vận tải đường sắt


Tính chung 9 tháng năm 2022, vận tải bằng đường sắt đạt 4,37 triệu tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hàng hóa đường sắt 8 tháng đầu năm 2022 đạt 3,41 tỷ tấn.km, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cước vận tải hàng hóa đường sắt trong quý III/2022 cũng giảm 5% tùy chặng (Bộ GTVT, 2022).

12-29-2.png
So với năm 2019, vận chuyển hàng hóa năm 2022 tăng trưởng khả quan.

Nhằm nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa quốc gia, việc lựa chọn và đầu tư xây dựng các khu ga hàng hóa, bãi hàng có vị trí chiến lược để phục vụ cho hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa là hết sức cần thiết trong thời gian tới. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, toàn bộ các khu ga đề xuất đầu tư là các ga hàng hóa và cần thiết phải xây dựng bãi hàng đủ tiêu chuẩn vận hành container cũng như các nhà kho đủ tiêu chuẩn lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu (Đường sắt Việt Nam, 2022).

Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ các tài sản trên đều là tài sản công do Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu dẫn đến việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chỉ thực hiện được bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp thì chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật. Do đó, Tổng công ty Đường sắt không thể triển khai đầu tư và kêu gọi bên ngoài đầu tư vào các hạng mục nhà ga, bãi hàng. Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty Đường sắt đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và phương án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Mới đây, ngành đường sắt đã áp dụng công nghệ số vào việc quản lý đầu máy, toa xe qua mạng, đảm bảo chất lượng, an toàn phương tiện khi vận dụng chạy tàu. Theo đó, các thông tin về phương tiện, thương vụ vận tải hàng hóa được các bộ phận cập nhật liên tục trên hệ thống mạng mỗi khi xong một tác nghiệp theo quy trình cụ thể. Do đó, các bộ phận có thể quan sát, tra tìm thông tin trên hệ thống. Trên màn hình trực quan thể hiện tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu: có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại,… Chỉ cần bấm chọn mác tàu sẽ ra hàng loạt thông số chi tiết từng toa xe trong đoàn tàu như: số hiệu, chủng loại toa xe, chủ sở hữu là công ty nào, chức năng của toa xe là xe bưu vụ, hàng cơm hay toa khách, toa hàng; toa hàng rỗng hay nặng, chở hàng gì, dỡ ở đâu và các thông tin kèm theo như tốc độ tối đa cho phép của toa xe, trạng thái kĩ thuật (Đường sắt Việt Nam, 2022).

Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt Việt Nam chưa có được sự kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác nhau như cảng hàng không, cảng biển lớn và chưa có kết nối liên vùng ĐBSCL và Tây Nguyên dẫn đến chi phí vận chuyển 2 đầu tăng cao, không thể cạnh tranh với đường biển, đường bộ trong vận tải hàng hóa.

Về dịch vụ vận tải đường biển


Tính chung 9 tháng năm 2022, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đạt 77,82 triệu tấn, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hàng hóa bằng đường biển trong 9 tháng năm 2022 đạt 171,46 tỷ tấn.km, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu như trong hai năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cước vận tải hàng hóa quốc tế leo thang thì từ giữa tháng 7 năm 2022, cước vận tải biển đã “đổi chiều”, tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã giảm, không căng thẳng như trước. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng hạ nhiệt, kèm theo những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với dịch vụ vận tải, cước vận tải đã giảm. Dù giá cước giảm nhiều trong quý III/2022, nhưng hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10-15%.

Giai đoạn từ tháng 9/2022, cước vận tải trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế đã giảm. Tuy nhiên, giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn. Cụ thể, vào khoảng cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ khoảng 15.000 USD - 17.000 USD/container 40 feet, nhưng thời điểm giữa tháng 8/2022, giá cước chỉ còn khoảng 11.000 USD. Đối với các chặng đi Ấn Độ, lúc cao điểm lên tới 4.000 USD/container 40 feet thì nay còn khoảng 3.000 - 3.100 USD/container tùy từng chặng12. Thời điểm tháng 9/2022, cước vận tải container 40’GP từ TP. Hồ Chí Mính (Việt Nam) đi Baltimore (Mỹ) khoảng 6.480 USD/container trong khi đó cước vận tải container 20’GP từ TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) đi Baltimore (Mỹ) chỉ còn khoảng 4.570 USD/container13.

Hãng hàu MSC đã ra mắt dịch vụ vận chuyển kết nối Việt Nam và Thâm Quyến của Trung Quốc với bờ biển phía Đông của Mỹ, trong quý II/2022 (MSC, 2022). Dịch vụ này sẽ có thời gian vận chuyển nhanh nhất so với các dịch vụ tương tự đến cảng Savannah (thuộc bang Georgia), Charleston (thuộc bang Carolina) cũng như New York. Các con tàu đi qua Kênh đào Panama đến Đại Tây Dương, con đường ngắn nhất giữa Việt Nam và vùng biển phía đông của Mỹ. Tuyến đường qua Địa Trung Hải cũng được các công ty thiết lập để cung cấp dịch vụ vận chuyển container kết nối Đông Nam Á với bờ biển phía Tây của Mỹ. Tuyến đường vận tải biển này sẽ bắt đầu ở Singapore và đi qua Laem Chabang của Thái Lan, Vũng Tàu của Việt Nam, Long Beach của Mỹ và các thành phố Thượng Hải, Ninh Ba và Hạ Môn của Trung Quốc, rồi quay trở lại Singapore.

Mặc dù nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành của các hãng tàu, thị trường vận tải biển không chỉ bị chi phối bởi biến động giá xăng dầu. Thị trường những tháng tới đây dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên thị trường hàng hóa. Ví dụ giá vật tư sản xuất, nhóm hàng thường có khối lượng nặng và chiếm tỷ trọng quan trọng trong các tuyến đường hàng hải như xi măng, sắt, thép,… giảm, giá cước thuê tàu giảm nên vận tải biển sẽ đối mặt với nguy cơ doanh thu giảm trong khi chi phí không giảm tương ứng nếu giá nhiên liệu, nhân công và các chi phí khác tăng. Đó là chưa kể đến các biến động thời tiết ngày càng khó dự báo có thể tạo ra rủi ro lớn và buộc các hãng tàu phải bổ sung kinh phí dự phòng rủi ro.

Đối với thị trường Việt Nam vào thời điểm cuối năm nay, thị trường hàng rời nội địa dự kiến sẽ gặp khó khăn bởi phụ thuộc vào tình hình thời tiết, mưa bão, gió mùa. Nguồn cầu và nguồn cung đều giảm, khiến không chỉ các doanh nghiệp vận tải biển mà cả các nhà máy sản xuất hàng rời đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần lưu ý theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu. Đồng thời, tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường, không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống để có thêm nhiều cơ hội hơn do việc mở rộng thị trường sẽ giúp hàng hóa trở nên đa dạng, các nhu cầu không bị cắt giảm cục bộ.

Về dịch vụ vận tải đường thủy nội địa


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa 9 tháng năm 2022 đạt 298,62 triệu tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa trong 9 tháng năm 2022 đạt 65,65 tỷ tấn.km, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh dự kiến mở tuyến vận tải thủy bằng tàu cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Tuyến vận tải thủy bằng tàu cao tốc đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Tiền Giang dài khoảng 110 km; đến tỉnh Bến Tre dài khoảng 120 km. Không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, tuyến mới còn góp phần vận chuyển hàng hóa, từ đó, phát huy tiềm năng đường thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ. Hiện bến bãi đã có sẵn nên nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia khai thác tuyến này. Phương tiện đưa vào khai thác là tàu cao tốc có sức chở từ 75 - 151 khách/tàu. Dự kiến có 3 doanh nghiệp khai thác với khoảng 6 tàu. Dự kiến tuyến này có thể đi vào hoạt động từ quý III/2022, thời gian tàu hoạt động từ 6h - 18h hằng ngày.

Thực trạng gần đây cho thấy khối lượng hàng container thông qua các cảng biển Việt Nam tăng nhanh. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn được giải tỏa bằng đường bộ, không phát huy được hết các ưu thế của từng phương thức vận tải, trong đó có vận tải đường thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện nay tại các cảng biển chưa có bến làm hàng cho phương tiện thủy nội địa dẫn đến thời gian neo đậu chờ cầu để vào dỡ và xếp hàng kéo dài nhiều giờ. Vì vậy, cần hình thành tuyến vận tải thủy nội địa mẫu kết nối tới cảng cửa ngõ quốc tế sau đó sẽ nhân rộng ra các tuyến vận tải đường thủy nội địa chính trên toàn quốc. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề xuất lựa chọn tuyến mẫu là tuyến từ khu vực cảng biển Hải Phòng đến ICD Tân Cảng Quế Võ (Bắc Ninh): Cảng Lạch Huyện - kênh Cái Tráp - sông Cấm - sông Hàn - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống - ICD Quế Võ. Tổng chiều dài tuyến vận tải là 115 km, tuyến luồng cấp I và II do nhu cầu vận tải container trên tuyến từ cảng biển Hải Phòng đến Bắc Ninh và các tỉnh lân cận rất lớn.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc vận tải hàng hóa do đường bộ hiện đảm nhận vẫn ở mức cao dẫn đến luôn quá tải cho kết cấu hạ tầng đường bộ, gia tăng kinh phí bảo trì, tốn kém nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn giao thông. Trong khi việc vận tải hàng hóa do đường thủy nội địa đảm nhận sẽ khắc phục cơ bản được những nhược điểm này. Đặc biệt giảm phát thải khí thải ra môi trường thấp hơn 4 - 5 lần so với đường bộ, giảm bình quân khoảng từ 10% đến 30% chi phí logistics,... Do đó, cần thiết bổ sung lĩnh vực đóng mới, hoán cải phương tiện đường thủy được hưởng ưu đãi tín dụng nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phương tiện.

Ngoài ra, cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải, Cục Đường thủy đã đề nghị miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa do hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa không sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển.

Về dịch vụ vận tải đường hàng không


Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không 9 tháng năm 2022 đạt 213,2 nghìn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hàng hóa theo bằng đường hàng không trong 9 tháng năm 2022 đạt 4.503 triệu tấn.km, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.

khach-quoc-te-2898-1593080241-4564-6895-1646282284.jpg
Vận tải hành khách mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng sản lượng vận chuyển năm 2022 chỉ bằng 72,5% sô với năm chưa có dịch Covid-19.

Tính đến cuối tháng 9/2022, thị trường hàng không quốc tế có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Úc, Đức, Pháp, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ,... Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ (Cục Hàng không Việt Nam, 2022).

Các thị trường hiện tại đã và đang được các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài từng bước tiếp tục triển khai tăng tần suất, mở lại/mở mới các đường bay như thị trường Ấn Độ. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các hãng Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Hãng hàng không Vietnam Airlines mở thêm đường bay mới giữa Đà Nẵng và Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 01/9/2022 và nối lại đường bay giữa Đà Nẵng và Bangkok (Thái Lan) từ ngày 15/9/2022. Cùng với đó, hãng cũng tăng thêm một chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 15/9/2022.

Ngày 18/1/2022, IPP Air Cargo đã gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không tới Cục Hàng không Việt Nam với loại hình kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không. Tuy nhiên sau đó vào tháng 10/2022, công ty này đã xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã nộp.

Nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hóa, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng hàng không trong khu vực, ngày 8/9/2022, Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) chính thức ký kết hợp tác với Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) để phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không, với tỷ lệ vốn góp tương ứng là 49% - 51%. Dự kiến, trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và các thị trường lớn tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan bằng đội tàu bay chuyên dụng B737-800BCF dành cho hàng hóa với số lượng 02 - 04 chiếc sau đó tăng gấp đôi trong những năm tiếp theo. VUAir Cargo sẽ là kết nối hàng hóa Việt với thị trường toàn cầu và tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam.

Với xu thế chung là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, việc nước ta có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu nông sản, rau quả tươi.

Nguồn: Báo cáo của Bộ Công Thương năm 2022.

Bài liên quan
  • Các trung tâm logistics tại Việt Nam, hiện trạng và quy hoạch (Bài 5)
    Trung tâm logistics được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, được xây dựng nhằm thực hiện các chức năng cơ bản như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, lưu giữ hàng tối ưu, tạo ra giá trị gia tăng, chuyển tải và logistics ngược, như xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thực hiện liên kết kinh tế…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Bức tranh" vận tải trong chuỗi giá trị Logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO