Cần hơn 13 ngàn việc làm ở sân bay Long Thành

Vi Quân|02/08/2023 11:58

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, khi đi vào hoạt động, dự án Cảng hàng không Quốc tế (sân bay) Long Thành cần khoảng 13,8 ngàn việc làm. Để tận dụng cơ hội này, tỉnh và huyện Long Thành đã xây dựng chương trình, đề án việc làm.

Công tác triển khai thực hiện đang được tập trung nhằm biến cơ hội, lợi thế thành hiện thực.

ha-tckt-vlr-02082023.png
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng dự Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữ trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA)

Nhu cầu lớn

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi dự án Sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần khoảng 13,8 ngàn lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học, chiếm khoảng 40% tổng số lao động cần.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho dự án, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án, từ các năm trước, tỉnh đã chỉ đạo chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó xây dựng Đề án Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, năm 2020, khi dự án chưa khởi công, Sở LĐ-TBXH đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực. Sau đó, Sở có văn bản đề nghị Viện Khoa học - Công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng đề cương và dự thảo dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời.

Để chủ động việc này, Sở làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và tháng 6-2023, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (tại H.Long Thành) đã ký hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo 4 ngành nghề là: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên khai thác mặt đất. Năm học 2023-2024 sẽ đào tạo khóa đầu tiên.

Ngoài ra, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đang hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (trụ sở tại TP.Hà Nội) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Trong năm học này sẽ tuyển sinh các nghề: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, logistics trong lĩnh vực hàng không.

Cũng theo bà Hiền, lao động phục vụ cho ngành hàng không là đặc thù, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở đào tạo phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn là Cục Hàng không Việt Nam. Do vậy, không phải ai muốn cũng học được và trường nào cũng có thể đào tạo. Chẳng hạn, sinh viên chuyên ngành hàng không phải trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học.

Ngoài lực lượng lao động liên quan trực tiếp đến sân bay, khi dự án này đi vào hoạt động sẽ kéo sự phát triển của các khu công nghiệp, khu dịch vụ hậu cần, khu thương mại khác.

ha-2-long-thanh-vlr-02082023.png
Đồ họa thể hiện dự báo nhu cầu nhân lực khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động

Cơ hội cho lao động địa phương

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, thời gian tới sẽ tích cực hỗ trợ Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 trong thực hiện các chương trình đào tạo đã ký kết. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể, làm việc với Bộ GT-VT, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành. Riêng nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường chủ động làm việc với đơn vị sử dụng lao động để cập nhật, tích hợp chương trình, ngành nghề đào tạo mới.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, mặc dù chưa có cuộc làm việc chính thức hay “đặt hàng” từ phía các đơn vị có nhu cầu nhân lực nhưng từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh các trường THPT trên địa bàn về nhu cầu, ngành nghề, cơ hội việc làm tại sân bay Long Thành.

Cũng theo lãnh đạo H.Long Thành, địa phương đang xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị Long Thành, trong đó có sân bay. Huyện đã lập tổ thực hiện đề án, trong đó thành viên bao gồm cả các trường nghề, trường THPT trên địa bàn. Đối tượng của đề án khá rộng, bao gồm lao động địa phương và toàn tỉnh.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, thông tin cho người dân, học sinh biết về các ngành nghề có nhu cầu khi sân bay đi vào hoạt động, các điều kiện, đặc biệt là ngoại ngữ. Ông Thành cho rằng, nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ đơn vị sử dụng lao động là cần bao nhiêu nhân lực, ngành nghề, giai đoạn nào huyện sẽ dễ tuyên truyền, làm việc với các trường hơn. Đây cũng là giải pháp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Rõ ràng nhu cầu và cơ hội việc làm trong tuơng lai là có, song việc biến đó thành hiện thực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong cung cấp thông tin về nhu cầu, điều kiện. Thông tin này càng cụ thể thì học sinh càng dễ lựa chọn nghề, cơ sở đào tạo cũng có phương án bổ sung hoặc liên kết đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu, còn đơn vị sử dụng lao động cũng có được người lao động tại chỗ, chất lượng.

Theo Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2, năm học 2023-2024 này sẽ chính thức khai giảng các ngành nghề mới theo chương trình ký kết. Trước khi vào học, học sinh sẽ được tham gia kỳ thi sát hạch đánh giá năng lực đầu vào. Tại trường sẽ được học kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực hàng không. Khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng của trường và văn bằng chứng chỉ của đối tác liên kết để có thể làm việc tại sân bay.

Theo dongnai.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần hơn 13 ngàn việc làm ở sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO