Chính thức thành lập Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam

Bảo Hân (tổng hợp) |18/01/2024 21:55

Sáng nay, ngày 18/01/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

image00120240118153942.jpg
Toàn cảnh Đại hội Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam - nhiệm kỳ 2024 – 2029

Đại hội Liên Chi hội Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam lần thứ nhất diễn ra với chủ đề: "Đoàn kết – Sáng tạo – Bền vững." Đại hội bàn về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2029; tổng hợp sức mạnh đoàn kết, trí tuệ; nhằm tập hợp, kết nối các thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và các hoạt động liên quan cùng cơ quan Trung ương và địa phương giải quyết vấn đề đầu tư, kinh doanh, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Liên chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam (VIREA) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm BĐS công nghiệp khác trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics... và các tổ chức tài chính hỗ trợ liên quan đến BĐS công nghiệp... thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển bền vững trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Thực tế hiện nay, BĐS công nghiệp là BĐS được sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc sản xuất công nghiệp. Các BĐS này bao gồm nhà xưởng, kho bãi, nhà máy, trung tâm phân phối, cơ sở hạ tầng công nghiệp và các khu đất có tiềm năng phát triển công nghiệp tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...

Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 Khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ở mức 300 -350.000 ha, chưa kể diện tích của gần 50 Khu kinh tế".


Trong khi đó, mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta là: Hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Trên cơ sở đó, BĐS công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Nó cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Điều này cũng cho thấy phân khúc BĐS công nghiệp đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

bds.cong-nghiep-ts-khoi.jpg
Phát biểu tại Đại hội, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, Việt Nam trong những năm tới hội nhập quốc tế sâu, rộng lớn; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh... ngày càng tác động đến sự phát triển của đất nước

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống BĐS công nghiệp cả nước đã hình thành: 407 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha;

Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), còn có hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kho bãi cho thuê, khu nhà ở công nhân… phục vụ sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; vướng giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp chưa đảm bảo, đồng bộ; loại hình phát triển chậm được đổi mới theo hướng khu công nghiệp sinh thái hướng tới bền vững. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tỉ lệ lấp đầy tại một số KCN còn thấp; tình trạng đất hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên. Đáng chú ý, nhà ở cho công nhân hiện thiếu cơ bản.

virea-4-17055466591241869450579.jpg
Ông Trần Thiên Long, Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Đồng thời, góp phần vào nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, các lĩnh vực, các vùng phù hợp với thực tiễn đất nước và trình độ phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới.

Trước nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của một cộng đồng rộng lớn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sản xuất, làm việc liên quan đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã thành lập Liên chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam (VIREA).

Hiện nay, VIREA đã quy tụ gần như tất cả các đơn vị có BĐS công nghiệp quy mô và chuyên nghiệp tại Việt Nam như: VSIP, Amata, WHA, Sonadezi, Long Đức, BW, Viglacera, Kinh Bắc, Long Hậu, Long Thành, Ascendas, Thành Công… Tất cả đều chung một mong muốn tập hợp trí tuệ, kiến tạo một cộng đồng chính thức để phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam.

Theo đó, VIREA sẽ là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên. Cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên. Tổng hợp, phản ánh các vướng mắc của các doanh nghiệp về chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp thành viên với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

image00220240118153943.jpg
Ban Chấp hành Liên Chi hội BĐS công nghiệp (VIREA), khóa I - Nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt

Song song, VIREA sẽ phát triển quan hệ hợp tác, liên kết với các hiệp hội, đối tác, tổ chức tài chính trong và ngoài nước tạo nguồn lực quan trọng vì các nhà đầu tư, doanh nghiệp… hội viên của liên chi hội.

Đồng thời, đóng vai trò là diễn đàn của các doanh nghiệp hội viên và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp khác để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, tham gia góp ý các dự án luật, các Nghị định và thông tư liên quan đến các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp phát triển hiệu quả các sản phẩm bất động sản công nghiệp.

Bên cạnh đó, VIREA có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối xúc tiến đầu tư, các tổ chức tài chính trong, ngoài nước. Đặc biệt là xây dựng một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyên nghiệp, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Bài liên quan
  • Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam -  
Động lực mới để phát triển công nghiệp
    Theo các nhà tổ chức, sự ra đời Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam là nhằm quy tụ và phát huy các thế mạnh, tiềm năng của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp (BĐSCN) đang hoạt động, có quy mô và chuyên nghiệp trong nước, ngoài nước như VSIP, Amata, WHA, Sonadezi, Long Đức, BW, Viglacera, Kinh Bắc, Long Hậu, Ascendas, Khu chế xuất Linh Trung… để hợp lực, tạo ra những động lực phát triển mới, gia tăng chuỗi giá trị của lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chính thức thành lập Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO