Chuỗi cung ứng 2017: 10 quyết tâm mới

20/02/2017 09:03

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Bạn cần làm gì để cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng của công ty? Tham khảo 10 giải pháp dưới đây như những gợi ý để bạn bắt đầu lên kế hoạch cho năm mới.

(Vietnam Logistics Review) Bạn cần làm gì để cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng của công ty? Tham khảo 10 giải pháp dưới đây như những gợi ý để bạn bắt đầu lên kế hoạch cho năm mới.

Năm 2017, thế giới sẽ có những thay đổi chưa từng có. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ bất ngờ, nền kinh tế toàn cầu bất ổn, và sự nổi lên của các cải tiến công nghệ có thể là trở ngại cho chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, một số lãnh đạo nhạy bén đã bắt đầu lên kế hoạch hành động. Trong khi chúng ta nghĩ về quyết tâm của cá nhân mình trong năm mới, các nhà lãnh đạo thông minh cũng nên xem xét 10 “quyết tâm” dưới đây cho chuỗi cung ứng.

1. Quản lý tính phức tạp của chuỗi cung ứng:

Chúng ta đã được chứng kiến các lần thu hồi sản phẩm kỷ lục - như điện thoại và máy giặt Samsung, động cơ diesel của Volkswagen, túi khí Takata từ hàng chục nhà sản xuất xe hơi. Không chỉ các sản phẩm công nghệ cao và sai quy trình mới thường bị thu hồi; các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm và đồ chơi từ lâu đã có xu hướng bị thu hồi ngày càng nhiều. Phần lớn nguyên nhân là do chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp, nảy sinh nhiều “tai nạn”. Phản ứng truyền thống của doanh nghiệp (DN) như đảm bảo tăng chất lượng và tuân thủ đúng quy trình có thể khiến vấn đề phức tạp hóa (và cả rắc rối) thêm tồi tệ. Các quy trình và tổ chức cần phải được thiết kế lại, đôi khi một cách triệt để, nhằm đơn giản hóa tương tác. Các DN giải quyết sự phức tạp này bằng cách giảm đầu vào nhân công (tăng máy tự động), hợp nhất các nhà cung cấp, thiết kế sản phẩm đơn giản hơn. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn để mắt đến những cơ hội giảm tính phức tạp cho chuỗi cung ứng.

2. Tăng liên kết với Chính phủ:

Nguồn vốn tư nhân chi phối hầu hết tài nguyên trên thế giới, nhưng khi các ngành công nghiệp ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau, họ nhận thấy thật khó để bắt kịp với một lượng lớn các tiêu chuẩn về an toàn, môi trường, hiệu suất, đạo đức, và các tiêu chuẩn khác mà xã hội đề ra, đặc biệt khi họ phải quản lý các tiêu chuẩn này trên nhiều thực thể và thường qua nhiều quốc gia. Chính quyền các cấp đã cung cấp các dịch vụ và nền tảng để phối hợp và tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng, chẳng hạn như trong an ninh hải quan/ nội địa, an toàn thực phẩm,…Một nhà quản lý thông minh sẽ biết thay đổi số phận DN bằng cách liên kết với chính quyền các cấp từ phát triển kinh tế địa phương đến vận tải an toàn, an toàn lao động, tiền lương, và lối sống.

3. Soạn hợp đồng tốt hơn:

Chúng ta biết rằng việc quản lý chuỗi cung ứng đã đạt tới đỉnh cao khi các nguyên tắc của nó ảnh hưởng đến quyết định ai là người đoạt giải Nobel. Năm ngoái, Oliver Hart và Bengt Holmström cùng nhận giải Nobel cho công trình về lý thuyết hợp đồng. Ủy ban Nobel đặc biệt chú ý nghiên cứu hợp đồng khuyết của Hart, tập trung vào việc bên nào nên có quyền kiểm soát, đưa ra các quyết định quan trọng khi đối mặt với các tình huống bất ngờ. Holmström phát triển nguyên tắc informativeness principle, làm thế nào tôn vinh hiệu suất khi người mua có cái nhìn hạn chế về các hoạt động của nhà cung cấp. Năm 2009, Oliver Williamson thắng giải Nobel cho nghiên cứu về mối liên quan giữa chi phí giao dịch và cách DN quản lý các giao dịch nội bộ và liên công ty. Trên thị trường hiện có một số sách (playbook) hướng dẫn cách sử dụng hợp đồng làm tâm điểm cho hoạt động quản lý chuỗi cung ứng. Các nhà quản lý nên xem xét liệu mình đã sử dụng đúng cấu trúc hợp đồng để khuyến khích các hành vi phù hợp trong DN và trong suốt chuỗi cung ứng hay chưa?

4. Hãy minh bạch hơn:

Tính minh bạch ngày càng tăng khi xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề này hơn. Các DN cần xem xét kỹ các tiêu chí trách nhiệm xã hội (CSR) của mình để “đảm bảo lời nói đi đôi với hành động” trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Người tiêu dùng luôn kỳ vọng sản phẩm được sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp đạo đức kinh doanh. Hầu hết các DN gặp rắc rối khi nhà cung cấp nhiều lần bỏ bớt các tiêu chí mà họ không biết/ hiểu; vì vậy DN nên sắp xếp chuỗi cung ứng hợp lý đề phòng các bất ngờ không mong muốn, đồng thời khám phá những cơ hội mới. Quan trọng nhất là, DN cần minh bạch về quá trình hoạt động của chuỗi cung ứng. Những tiến bộ như Internet of Things và mạng xã hội giúp các nhà hoạt động xã hội và cả hacker dễ dàng thấy những gì DN đang làm, đồng thời cũng giúp bạn chia sẻ thành tựu của mình dễ dàng hơn. Đây là lúc quyết định ai sẽ là người chia sẻ thông tin của DN bạn.

5. Trở nên tinh gọn hơn:

Sản xuất tinh gọn đã có một cuộc cách mạng trong vài thập niên qua, nhưng đó chỉ là khởi đầu. Sự gia tăng của mã hàng và việc giảm quy mô đơn hàng đã là xu hướng trong nhiều thập kỷ, nhưng chúng đang chuẩn bị tăng mạnh hơn nữa. Sự ra đời của công nghệ in 3D, robot (đặc biệt là xe tự lái) và drone cho thấy việc thiết kế, sản xuất và vận chuyển nhanh chóng đơn hàng một cỡ chứa đa dạng các sản phẩm sẽ sớm khả thi. Tuy chúng ta vẫn phải đợi thêm vài năm, nhưng các công ty như Amazon và CVS đang nghiên cứu để thành công trong một thế giới mà đơn hàng có kích cỡ rất nhỏ nhưng được bổ sung nhanh chóng và thường xuyên. Các nhà bán lẻ cần biết thay đổi nhanh chóng để tồn tại, và tất cả các cấp trong chuỗi cung ứng cần trở nên tinh gọn hơn nữa để thích ứng nhanh với nhu cầu của khách hàng.

6. Chú trọng vào việc cung cấp trải nghiệm hơn là sản xuất sản phẩm:

Một xu hướng khác đã có mặt vài năm qua và sẽ tăng cường trong vài năm tới: khách hàng không còn hài lòng với rủi ro khi mua hàng. Nếu họ, ví dụ, mua một chiếc xe diesel quảng cáo là chạy được quãng đường dài và thân thiện hơn với môi trường, họ muốn nhà sản xuất phải cung cấp đúng trải nghiệm đó. Cho dù DN bạn đóng vai trò nhỏ đến đâu trong việc cung cấp trải nghiệm đầu ra cho khách hàng, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu khách hàng không hài lòng với những gì sản phẩm hứa hẹn mang lại. Định hướng mối quan hệ lâu dài này sẽ tiếp tục được củng cố khi mạng xã hội phát triển thành thành phần cốt lõi của xã hội. Tiêu chuẩn cao hơn kết hợp với chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến uy tín thương hiệu và quản lý quan hệ khách hàng sẽ ngày càng quan trọng. Nếu bạn nhận thức được những gì bạn cung cấp ở đầu vào ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm đầu ra của khách hàng trước khi những tiến bộ trong phân tích và chia sẻ thông tin đánh bạn một đòn bất ngờ, bạn sẽ thành công hơn.

7. Nhận thức được giá trị nhân viên:

Tự động hóa là tương lai. McDonald đã thay thế nhân viên nhận order bằng các kiosk tự động tại ở thị trường châu Âu đắt đỏ, và chính sách “15 đô/ giờ” và vận động “lương tối thiểu” ở Mỹ đồng nghĩa với các kiosk tự động cũng đang bắt đầu thay thế nhân công. Xã hội không thể bỏ qua lợi ích của việc sử dụng ít tài nguyên hơn để cung cấp cho nhiều khách hàng hơn. Điều này có ý nghĩa gì với các nhà quản lý chuỗi cung ứng? Nhân công là chi phí lớn nhất trong chuỗi cung ứng, nhưng các nhà quản lý cũng sẽ phải quản lý tài sản và công nghệ như xe tự lái, robot kho hàng, và công nghệ lấy order tự động. Điều này sẽ chuyển sự chú ý của nguồn vốn từ các chi phí không cố định như lao động sang các chi phí cố định như đầu tư. Hiểu đúng giá trị của mỗi nhân viên là bước đầu giúp DN biết khi nào và ở đâu cần thay đổi sang tự động hóa.

8. Hãy sẵn sàng cho nhiều giao dịch toàn cầu hơn:

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có thể muốn viết lại các thỏa thuận thương mại, nhưng có vẻ như không có quốc gia nào chấp nhận những thỏa thuận không có lợi. Ngay cả thất bại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng không ảnh hưởng nhiều vì các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ (Canada, Mexico, Hàn Quốc) đã có Hiệp định thương mại tự do riêng với Mỹ và với nhau. Hơn nữa, Trung Quốc đang dẫn đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực thúc đẩy toàn cầu hóa ở 16 quốc gia, và châu Âu cũng đang trên đà tiếp tục thương mại toàn cầu. Các nhà quản lý thông minh nên tin tưởng vào tiến trình toàn cầu hóa.

9. Hãy là một nhà lãnh đạo toàn diện hơn:

Đa dạng là thông minh. Các nhà cung cấp sở hữu đa dạng thành phần sẽ đem lại nhiều ưu thế, thêm giao dịch mới và kết nối với khách hàng theo những cách mới. Tiêu chuẩn của lãnh đạo chuyên nghiệp ngày càng tăng, và nhà lãnh đạo cần biết tối đa hóa trao đổi giữa nhân viên giỏi, góp phần cải thiện hiệu suất hoạt động và đem lại lợi thế cạnh tranh chiến lược. Những lợi thế này chỉ có ích cho những DN tạo được một môi trường tôn trọng lẫn nhau cho nhân viên, thay vì chỉ nêu ra hành vi bất hợp pháp. Vậy nên nhà quản lý thông minh cần đánh giá cao sự tôn trọng và sự cống hiến cho một DN đa dạng.

10. Tận dụng công nghệ:

Tận dụng công nghệ giúp DN số hóa chuỗi cung ứng. Sự kết hợp của tự động hóa, Internet of Things, và các sáng kiến kỹ thuật số khác sẽ tiếp tục thúc đẩy chuỗi cung ứng nhanh, tinh gọn và hiệu quả. Tuy nhiên, số hóa không hoàn toàn tốt. Hầu hết DN không được chuẩn bị để đối phó với phần mềm tống tiền và tin tặc. Nhà quản lý nên biết cái gì là không thể tránh khỏi, từ đó tận dụng các chính sách số hóa toàn diện.

Nhã Hân lược dịch


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi cung ứng 2017: 10 quyết tâm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO