Đà Nẵng - Quảng Nam: Đi để… nhớ!

01/01/1970 08:00

(VLR) Những ngày thượng tuần tháng 8.2012, song hành với cuộc họp thường niên của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã thực hiện một “tour” Đà Nẵng - Quảng Nam. Qua những trải nghiệm và khám phá, chúng tôi có thêm những ấn tượng mới về vùng đất quen thuộc này.

Bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng

Những ngày thượng tuần tháng 8.2012, song hành với cuộc họp thường niên của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã thực hiện một “tour” Đà Nẵng - Quảng Nam. Qua những trải nghiệm và khám phá, chúng tôi có thêm những ấn tượng mới về vùng đất quen thuộc này.

KHÁCH SẠN - RESORT ĐA PHONG CÁCH

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Đà Nẵng không phải là nhà ga hàng không hiện đại mà là Bamboo Green Hotel. Dễ dàng nhận ra khách sạn Bamboo Green bởi vị trí nằm đối diện Nhà thờ lớn của thành phố, được xây dựng bởi người Pháp vào năm 1923. Từ đây, chỉ với 10 phút tản bộ là đến khu Bảo tàng điêu khắc Chămpa, nơi còn lưu giữ những cổ vật độc đáo của nền văn hóa Chăm rực rỡ một thời, được Viện Nghiên cứu Viễn đông (Pháp) tìm thấy năm 1915. Khám phá Đà Nẵng về đêm, hướng về sông Hàn thơ mộng, nơi hàng năm tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Chị Nguyễn Thị Phương Dung, GĐ khách sạn cho biết: Bamboo Green gồm 6 tầng với 70 phòng khách được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Từ nhà hàng Sunflower ở tầng 5, chúng tôi được thưởng thức những bữa ăn sáng tự chọn đa dạng, các món ăn Âu - Á sang trọng và ngắm nhìn dòng Hàn giang êm ả.

Đi trên cung đường Hoàng Sa rộng mở về hướng biển chúng tôi đến với biển Hà My, thuộc Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam. Con đường du lịch ven biển Điện Ngọc - Cửa Đại dài hơn 7km, như dải lụa mềm mại vắt qua những làng chài heo hút. Hàng chục nhà hàng, khách sạn, resort 4, 5 sao như The Nam Hải, Le Belhamy… mọc lên dọc con đường này. Đoàn chúng tôi chọn Le Belhamy Hội An resort & spa làm điểm dừng chân. Đây là khu nghỉ mát nhiệt đới có 2 hồ bơi ngoài trời và xe đưa đón miễn phí theo lịch trình đến Hội An. Bà Kim Vinh & ông Georges Guigon - chủ nhân của Le Belhamy Hội An, cho biết: toàn khu có diện tích 10ha, với chiều dài 320m ven biển. Đây là khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên bãi biển Hà My nép mình trong những cảnh quan nhiệt đới tươi xanh, mang tới sự yên bình, thư thái cho du khách. Tại đây, du khách có thể chọn lựa cho mình những căn phòng theo ý muốn. Hệ thống phòng đa dạng, tiện nghi sang trọng. Tất cả các căn biệt thự đều có sân vườn, hồ bơi riêng và dẫn trực tiếp đến biển. Bà Kim Vinh cho biết thêm, ông xã (ông Georges Guigon) đã từng có kinh nghiệm trang trí nội thất phòng ở cho 3 đời tổng thống Pháp. Đặc biệt 2 vợ chồng bà chu du khắp nơi trên thế giới để mang về nơi đây một kiến trúc rất riêng, lạ và rất là... Hội An.
Chỉ cách Hội An khoảng 8km, Le Belhamy Hội An Resort có tầm nhìn đẹp ra Biển Đông. Từ đây đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng chỉ mất 30 phút lái xe. Các chuyến du lịch đến Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm và Phố cổ Hội An có thể được bố trí tại bàn bán tour. Le Belhamy xứng đáng là điểm dừng chân lý tưởng nhất tại vùng đất cổ Hội An.

Dãi cát trắng bên bờ biển ở Le Belhamy Hội An Resort & Spa

SÔNG - BIỂN - RỪNG TRONG THÀNH PHỐ

Đoàn chúng tôi tham quan tất cả những chiếc cầu bắc sang sông Hàn. Ngày ấn tượng nhất là đoàn đi từ sông Hàn đến các bãi biển của bán đảo Sơn Trà rồi lên chùa Linh Ứng tìm đến với rừng thiên nhiên trong thành phố. Sơn Trà sống động và rực rỡ muôn màu. Trên rừng thì muôn hoa khoe sắc, còn dưới biển thì xanh ngắt một màu và lô nhô những những thuyền ghe xuôi ngược. Sơn Trà được ví là lá phổi xanh của Đà Nẵng. Bao quanh bán đảo Sơn Trà là vòng cung bờ biển tuyệt đẹp với các bãi biển bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Rạng, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Đa, bãi Nam, bãi Bắc, bãi Con, bãi Trẹm. Chân núi ăn sâu ra biển đã hình thành nên các vùng biển có rạn san hô quý hiếm, đa dạng về chủng loại. Điểm cuối trong hành trình về với Sơn Trà là Linh Ứng tự, ngôi chùa lớn nhất Đà Nẵng, nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng.

Bán đảo Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ và có hàng loạt bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, T20 hay của những khu resort như Furama, Sunny Beach, Olalani, hay Silver Shore Hoàng Đạt trải dài hàng chục km. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát và casino cao cấp. Đoàn chúng tôi chọn quán Thơ Ý – một trong hàng loạt quán đặc sản ven biển. Theo lời giới thiệu của người dẫn đường, thì đây là quán bán những đặc sản mà gia đình đánh bắt từ biển nên rất tươi và ngon.

HỘI AN THEO NĂM THÁNG

Trong thời gian khám phá Hội An, đoàn chúng tôi dời không gian biển về khu nghỉ dưỡng Vĩnh Hưng Riverside Resort. Khu này tọa lạc ngay cạnh sông Thu Bồn, chỉ mất vài phút đi bộ là tới khu di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An. Là khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, khu nghỉ mang đến không gian cổ kính truyền thống Việt Nam kết hợp vẻ đẹp hiện đại và sang trọng, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Dạo một vòng quanh Vĩnh Hưng Riverside Resort cảm nhận được kiến trúc đặc biệt nơi đây. Đó là nhà phố cổ tạo nên một nét ấn tượng riêng biệt cho du khách. Từ lối kiến trúc đến dịch vụ, đều tạo cho du khách có cảm giác ấm áp, thân thiện.

Hành trình du lãm Hội An đã mang đến cho chúng tôi sự trải nghiệm mới. Vĩnh Hưng Riverside Resort có không gian rộng rãi, yên tĩnh, hồ bơi và sân thượng với tầm nhìn đẹp. Các nhà ở thị trấn nhìn từ Khu resort Vĩnh Hưng là những mái nhà cổ kính, rêu xanh, những con hẻm quanh co, những hòn non bộ hoài cổ, in đậm hình ảnh của kỷ niệm và quá khứ. Đi dạo Hội An vào đêm là một trải nghiệm thú vị.

Phố tắt hết đèn đường, chỉ có những ngọn đèn lồng treo bên mái hiên mờ ảo một niềm xưa dịu dàng. Thoang thoảng trong gió tôi chợt nhận ra mùi hương trầm ở Hội An dường như thơm hơn bất cứ nơi nào. Mùi hương trầm ấy đã hàng bao thế kỷ ngấm vào từng viên gạch bên đường, từng thớ gỗ dáng nhà, thấm vào trong thẳm sâu lòng phố và lặng lẽ tỏa thơm cho phố cổ ra chiều xa xưa, không đo được bằng thời gian ngày tháng, phải đo bằng mịt mùng hút tắp hồn phố, hút tắp hồn người... Tôi lâng lâng suốt trên chặng đường và gặp nhiều nhất vẫn là những người bạn phương Tây. Họ đến từ Canada, France, America, Sweden, Spanish… và đặc biệt là người Nhật Bản đang có mặt ở đây cho những ngày hội văn hóa Việt-Nhật. Con đường trung tâm chạy dọc thành phố từ bến xe xuống chợ, ấn tượng trong tôi đầu tiên và mãi mãi vẫn là qua Chùa Cầu. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản, tuy kiến trúc đậm nét Việt Nam. Chiếc cầu dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.

Đoàn chúng tôi có một buổi chiều ngồi ăn hàng quán chợ quê và một đêm ghé chơi hội chợ. Trong ký ức tuổi thơ và thực tại phố cổ, tôi nhận ra rằng, bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Có lẽ vì thế mà cuối năm 1999 UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới?

Từ Hội An chúng tôi ghé Điện Bàn dùng đặc sản bê thui Cầu Móng. Rồi từ quốc lộ 1A chúng tôi ngược trở ra Đà Nẵng để chuẩn bị cho một chuyến bay đêm vào TP.HCM. Buổi chiều Đà Nẵng tuy oi ả nhưng sớm dịu lại khi chúng tôi đi trên bãi biển Mỹ An. Nhìn những cơn sóng biển xanh như ngọc xô vào bờ như lưu luyến, mời gọi. Dầu sao cũng phải chia tay Đà Nẵng và tạm biệt những ấn tượng mới mẻ, khó phai. Trước mắt tôi là bờ biển dài hun hút. Biển ở đây xanh ngắt và dạt dào như câu hát Ngày mai em đi/biển nhớ tên em gọi về…

Và, khi an vị trong khoang máy bay cho cuộc trở về sau đúng một tuần rong ruổi, bất giác tôi tự nhủ: Đà Nẵng – Quảng Nam, đi để… nhớ!

Dòng sông Hoài bên phố cổ Hội An



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng - Quảng Nam: Đi để… nhớ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO