Đà Nẵng tụt giảm mức tăng trưởng kinh tế

Trần Trình Lãm|23/08/2019 09:45

(VLR) TP. Đà Nẵng hiện đứng vị trí thứ 3 cùng với tỉnh Quảng Nam trong khối 5 tỉnh thành trọng điểm miền Trung và là địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trong khối 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tụt từ vị trí thứ 3 năm 2018).

Nhà máy thép Dana Ý tại TP. Đà Nẵng đã phải dừng hoạt động do ô nhiễm môi trường

Nhà máy thép Dana Ý tại TP. Đà Nẵng đã phải dừng hoạt động do ô nhiễm môi trường

Công nghiệp tụt giảm sâu

Tại Kỳ họp lần thứ 11 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021), ngày 09/7 vừa qua, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố phát triển đúng hướng, bền vững, duy trì được tốc độ phát triển kinh tế, thu ngân sách đạt kết quả khá, thu hút đầu tư nước ngoài có chuyển biến tích cực. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự yên tâm khi một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp so với kế hoạch”, ông Trung nói.

Trước đó, vào sáng 18/6, tại phiên họp thường kỳ của UBND TP. Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2019 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố chỉ ước tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 4,94%, giảm đến 2,86% so cùng kỳ 2018 và chỉ đóng góp 1,36 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Riêng công nghiệp tăng 5,68%, thấp hơn 3,73% mức tăng cùng kỳ năm 2018, mặt hàng có mức giảm cao nhất là dệt, giảm 37%; sắt thép giảm 36%.

Cũng theo ông Sơn, 6 tháng đầu năm nay, TP. Đà Nẵng thu hút hơn 2.300 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 540 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó cấp mới 68 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 363,9 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đà Nẵng mới chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, chưa có nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin theo định hướng của thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, kết nối. Chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Tọa đàm mùa xuân 2019

Tuy nhiên đa số các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp (chiếm gần 57%) bị tụt sâu. Trong đó các ngành chủ lực như sắt - thép giảm 35,7%, do hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc dừng hoạt động; dệt giảm 29,1%, do Công ty Cổ phần Vinatex dừng hoạt động phân xưởng dệt vải; sản xuất phụ tùng xe có động cơ và động cơ xe giảm 20,4%; điện tử giảm 11,6%, do Công ty điện tử Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất; chế biến thủy sản giảm 2,9%, do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ; chế biến sữa giảm 21,1% và sản xuất hóa chất giảm 3,5%... Sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đóng góp cao đã chững lại.

Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng diễn ra ngày 3/7 vừa qua, lãnh đạo Thành ủy đã thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực của thành phố còn bất cập; quản lý thị trường bất động sản chưa kịp thời, chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực, nhất là ven biển chưa được xử lý triệt để; tình trạng xây dựng không phép, trái phép, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở kinh doanh còn diễn biến khá phức tạp...

Tiến độ triển khai một số công trình, dự án tuy có chuyển biến nhưng còn chậm. Việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, công tác giải tỏa đền bù, tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.099 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch đề ra.

Kết quả thu hút đầu tư chưa tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế năm 2019. Các dự án đang triển khai mới tác động trực tiếp lên GRDP, nên Đà Nẵng cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện. Bên cạnh đó, tiến độ 67 công trình, dự án trọng điểm hiện nay của thành phố gần như đều chậm từ thủ tục đến thi công.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng

Đáng nói là, sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đóng góp cao đã chững lại. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quản trị hành chính công tụt giảm so với các năm trước. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, vẫn còn một số doanh nghiệp đã khởi kiện thành phố do ảnh hưởng quyền lợi như: Công ty thép Dana - Ý, Công ty Vipico, chủ đầu tư dự án Hòn Ngọc Á Châu (Ngũ Hành Sơn).

“Việc đầu tư hiện đang gặp nhiều trở ngại. Không chỉ vướng thanh tra, kiểm tra mà ngay việc đầu tư bình thường, liên quan rất nhiều đến đất đai, thủ tục, đánh giá tác động môi trường... đều chậm chạp, vướng mắc. Doanh nghiệp kêu ca quy trình thủ tục lâu, ngay cả các dự án đầu tư công cũng vướng mắc”, ông Thơ bộc bạch.

Liên quan đến công tác mời gọi đầu tư, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, thành phố nên xây dựng cơ chế: Đầu tư một cửa; khuyến khích thành lập công ty tư vấn có đủ uy tín hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật được nhanh chóng. “Thành phố nên có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, lựa chọn được những nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp có chính sách đầu tư thân thiện với môi trường, trình độ chuyên môn hóa cao. Đây là yếu tố quan trọng để Đà Nẵng từng bước xây dựng thành phố phát triển nhanh, mạnh, thân thiện với môi trường và bền vững”, ông Bình nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tụt giảm mức tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO