Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Trần Trình Lãm|18/05/2023 10:44

Các bộ ngành có liên quan cần phối hợp với các địa phương “tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng các Quý tiếp theo vàcả năm 2023, đề xuất các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao...”

Quý I/2023 đạt kết quả tích cực

Quý I/2023, tình hình kinh tế – xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga - U-crai-na kéo dài... Các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.

business-brainstorming-graph-chart-report-data-concept-compressed.jpeg

Ở trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Nhờ vậy đã duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Kinh tế – xã hội quý I năm 2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

business-graph-trade-monitor-mixed-media-compressed.jpeg

Bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng
Theo dự báo, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ suy thoái, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới gia tăng. Nước ta sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn, nhất là do những tác động, ảnh hưởng lớn của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nền kinh tế kéo dài từ nhiều năm.

Trước tình hình đó, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; chủ động, kịp thời, sát thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng các Quý tiếp theo và cả năm 2023, đề xuất các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao; Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.

WB nhận định, phục hồi kinh tế của các quốc gia khu vực Đông Nam Á sau suy thoái do đại dịch khá khác nhau. Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan dự báo đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. WB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phi-li-pin và Việt Nam ở mức 5,4% và 6,3%, đều giảm 0,2 điểm phần trăm, do được hưởng lợi từ tăng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định... Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới và theo quy định của pháp luật; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. 

businessman-male-lawyer-judge-consult-having-team-meeting-with-client-1-compressed.jpeg

Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu... Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.

Tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Bài liên quan
  • Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh
    Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng tốc độ phát triển thương mại, xuất nhập khẩu của vùng Bắc Trung bộ; tập trung phát triển trung tâm dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển tại Khu kinh tế Vũng Áng, trung tâm logistics tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo và huyện Đức Thọ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO