Đồng bằng sông Cửu Long oằn mình chống hạn, mặn

Hoài Nhân|16/04/2020 23:14

(VLR) Hàng chục nghìn hecta ruộng lúa khô cằn, nứt nẻ. Hàng trăm ngàn hộ dân đang loay hoay tìm kiếm nguồn nước ngọt. Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Thực trạng này đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, hoạt động canh tác của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bức tranh chung về tình trạng hạn, mặn

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng hạn mặn tại khu vực ĐBSCL đang diễn ra ngày càng gay gắt. Từ ngày 07/3 - 15/3 chính là thời điểm “đạt đỉnh” của hạn, mặn năm nay.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô năm 2019 - 2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 08/02 - 14/02 (đạt đỉnh ngày 12/02) với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55km - 74km.

Từ ngày 07/3 - 15/3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100 - 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62km - 65km…

Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.

Theo ông Trà Huỳnh, ngụ huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng: “Nhà tôi trồng gần 2ha lúa. Tôi đã cố gắng bơm nước vào cứu lúa nhưng lúa vẫn không đủ nước, lúa lép nhiều. Chúng tôi thu hoạch lúa xong, thương lái mua lúa không vào mua được do hệ thống kênh bị cạn nước, lúa cũng mất giá. Bà con phải thuê xe ba gác, xe kéo chở ra quốc lộ rồi cân lên xe tải, vừa tốn thêm chí phí, vừa tốn thời gian”.

Hiện có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Trong đó, Sóc Trăng có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất. Không chỉ hoạt động canh tác lúa bị ảnh hưởng, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có hơn 26.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do hạn, mặn xâm nhập cao và vào sâu địa phận các xã.

Nguyên nhân xâm nhập mặn tăng cao

Hiện có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Trong đó, Sóc Trăng có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất. Không chỉ hoạt động canh tác lúa bị ảnh hưởng, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có hơn 26.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do hạn, mặn xâm nhập cao và vào sâu địa phận các xã.

Sông Mê Kông bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, chảy qua Tây Tạng và Vân Nam trước khi đi vào Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và đổ ra biển tại Việt Nam. Theo tính toán, tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam tương đương với 53% - 57% tổng lượng dòng chảy toàn lãnh thổ.

Theo số liệu quan trắc, lượng mưa trên các vùng thuộc lưu vực sông Mê Kông, kể cả phần lưu vực thuộc Trung Quốc đều bị sụt giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực hạ nguồn lưu vực, bao gồm cả vùng ĐBSCL của Việt Nam.

Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng. Ước tính đến năm 2030, cả vùng hạ lưu ĐBSCL sẽ bị bao phủ bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn nhỏ.

Dung tích nước trong Biển Hồ Campuchia đến nay đã giảm 33 tỷ mét khối so với đầu tháng 10/2019. Nước không đổ về hạ lưu đồng nghĩa với việc áp lực nước tại các cửa sông Cửu Long giảm, tạo điều kiện cho nước biển tràn vào. Cộng với tác động của triều cường theo chu kỳ của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao và lấn sâu vào trong nội đồng.

Giải pháp ứng phó

Chiều ngày 08/3, làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn tại Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi 350 tỷ đồng cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau (mỗi tỉnh 70 tỷ đồng) để ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Số tiền này dùng cho việc bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị chở nước và hỗ trợ người dân.

Do sớm có các biện pháp chủ động ứng phó với hạn mặn mùa khô năm nay, toàn vùng ĐBSCL xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tổng cộng 1,54 triệu ha và đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha (chiếm khoảng 70% diện tích). Tổng thiệt hại lúa mùa 2019 và Đông Xuân 2019 - 2020 ảnh hưởng khoảng 30%, tương đương gần 39.000 ha.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương nắm bắt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn bà con tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ Hè Thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt như hiện nay.

Dự kiến hạn mặn sẽ có tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện ở khu vực ĐBSCL.

Đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5, mùa mưa có thể bắt đầu ở miền Nam nên tình trạng hạn mặn ở khu vực ĐBSCL có thể được cải thiện. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng trong trường hợp mưa đến muộn, dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng thấp ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long oằn mình chống hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO