Đường sắt đầu mối khu vực TP. HCM thế nào trong 10 năm tới?

Báo Giao thông|18/08/2021 08:46

(VLR) TP. HCM là nơi kết nối của nhiều tuyến đường sắt quốc gia với các đầu mối của mạng lưới đường sắt đô thị trong 10 năm tới...

Đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM sẽ có các tuyến đường sắt quốc gia kết nối đường sắt đô thị, trong đó, Thủ Thiêm là ga đầu mối - Ảnh: minh họa

Đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM sẽ có các tuyến đường sắt quốc gia kết nối đường sắt đô thị, trong đó, Thủ Thiêm là ga đầu mối - Ảnh: minh họa

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ, Thủ Thiêm sẽ là ga đầu mối đường sắt khu vực TP. HCM.

Dự thảo nêu rõ, TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn và quan trọng của cả nước, là nơi kết nối của các tuyến đường sắt quốc gia với các đầu mối của mạng lưới đường sắt đô thị để đi - đến nhiều hướng, kết nối với các loại hình vận tải như hàng không, cảng biển... trên địa bàn thành phố và vùng.

Trên cơ sở định hướng phát triển không gian vùng và các định hướng phát triển của TP. HCM cũng như các tỉnh thuộc vùng trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ, dự thảo Quy hoạch đề xuất phương án phát triển đường sắt tại khu đầu mối TP. HCM.

Cụ thể, đường sắt Hà Nội - TP. HCM hiện hữu có điểm cuối tại ga Hòa Hưng. Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chuyển đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt đô thị, ga đầu mối chuyển về ga Bình Triệu.

Đối với đường sắt tốc độ cao, điểm cuối là tại ga Thủ Thiêm (ga đầu mối). Từ ga Thủ Thiêm kết nối với ga Bình Triệu, cảng hàng không Tân Sơn Nhất thông qua đường sắt đô thị - tuyến 4b kéo dài và có kết nối cảng hàng không Long Thành tại ga Long Thành.

Với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, ga Trảng Bom là ga đầu mối của tuyến này.

Còn đường sắt mới TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP. HCM - Tây Ninh kết nối với đường sắt Hà Nội - TP. HCM thông qua 2 đoạn tuyến là đoạn An Bình - Tân Kiên (gồm các ga An Bình, Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp) và đoạn Thạnh Xuân - Bình Triệu (đoạn kết nối bổ sung - khu vực Gò Dưa).

Dự thảo Quy hoạch cũng đề xuất quy mô và ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối với khu vực đầu mối TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Nha Trang, sẽ ưu tiên bố trí vốn triển khai đầu tư hai tuyến TP. HCM - Cần Thơ, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành trong giai đoạn 2021 - 2030 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Trong đó, tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 174km, khổ 1.435mm, đường đôi, điện khí hóa, dự kiến tổng mức đầu tư 158.000 tỉ, dự kiến bố trí vốn 123 tỉ giai đoạn 2021-2030; Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 38km, khổ 1.435mm, đường đôi, dự kiến tổng mức đầu tư 22.000 tỉ, dự kiến bố trí vốn 6.600 tỉ giai đoạn 2021-2030.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt đầu mối khu vực TP. HCM thế nào trong 10 năm tới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO