Hạ tầng logistics Việt Nam cần được quan tâm đúng mức

Cao Ngọc Thành|01/01/1970 08:00

(VLR) VN đang hướng đến năm 2020 khi mà chúng ta hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong quá trình này, logistics đóng một vai trò rất quan trọng và là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Chính logistics chứ không phải là lĩnh vực nào khác sẽ tạo nên sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho nền kinh tế. Nói như thế để thấy rằng việc quan tâm đúng mức và có sự đầu tư phát triển logistics là một yêu cầu thiết yếu và quan trọng từ nay đến năm 2020. Để đưa ra những hướng phát triển cần thiết thì việc hiểu biết về thực trạng của logistics VN là một nội dung cần được làm rõ.

THỰC TRẠNG VỀ NHU CẦU LOGISTICS

Theo kết quả khảo sát của bộ phận nghiên cứu và tư vấn của công ty SCM trong năm 2008 thì các DN VN có xu hướng thuê ngoài các công đoạn logistics (chiếm 92% số công ty tham gia và phản hồi cuộc khảo sát). Các công ty phản hồi cho biết việc thuê ngoài các công đoạn logistics đã giúp cho các công ty tiết giảm được 13% chi phí logistics và vòng quay đơn hàng giảm trung bình là 6 ngày. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này thì các công ty thực hiện thuê ngoài phần lớn đối với các dịch vụ có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của DN như vận tải, giao nhận, kho bãi.

Thống kê cho thấy có 100% công ty thuê dịch vụ vận tải nội địa, 77% công ty thuê dịch vụ giao nhận, 73% thuê dịch vụ kho bãi, 68% công ty thuê khai quan và 59% công ty thuê vận tải quốc tế. Các dịch vụ logistics khác và phức tạp hơn như quản lí đơn hàng, gom hàng, quản lí cước vận tải… thì không được các DN lựa chọn để thuê ngoài bởi hai nguyên nhân bao gồm: (1) các DN VN không muốn chia sẻ các thông tin nhạy cảm chứa đựng trong khi thực hiện các nghiệp vụ này và (2) năng lực và kinh nghiệm của các DN VN còn yếu và chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN.

Kết quả khảo sát của SCM cũng cho thấy các công ty sử dụng các dịch vụ logistics đến từ mọi lĩnh vực trong nền kinh tế bao gồm ngành hàng tiêu dùng đóng gói (40%), ngành thủy sản (23%), ngành công nghiệp ôtô (14%), ngành phân phối, bán lẻ (9%), ngành điện tử gia dụng (9%) và ngành chế biến gỗ (5%). Mặt khác, trong số các DN sử dụng dịch vụ logistics thì DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều nhất với 68% DN tham gia khảo sát, kế tiếp là DN tư nhân và công ty cổ phần với 23% DN tham gia khảo sát và thấp nhất là DN nhà nước với 9% DN tham gia khảo sát.

THỰC TRẠNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ LOGISTICS

Hiện nay, về số lượng công ty tham gia thị trường thì chưa có số liệu chính thức nhưng theo số liệu thống kê của Tổng Cục Thống kê thì trong năm 2007, có tổng cộng 9858 DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi và bưu chính viễn thông. Ngoài ra theo thống kê của Sở KH-ĐT TP.HCM thì trung bình mỗi ngày có một DN đăng kí mới hoặc bổ sung ngành nghề hoạt động là dịch vụ logistics. Riêng trong lĩnh vực giao nhận, vận tải hàng hóa thì ước tính có khoảng gần 1.000 DN cung ứng dịch vụ logistics hoạt động trong cả nước; trong đó, có khoảng 18% là DN nhà nước, 70% là DN tư nhân, 2% là DN có vốn đầu tư nước ngoài và 10% là thuộc các loại hình DN khác.

Hầu hết, các DN cung ứng dịch vụ logistics của VN đều có quy mô nhỏ, vốn ít với số vốn đăng kí bình quân là 1,5 tỉ đồng. Do vốn và nhân lực có nhiều hạn chế nên trình độ tổ chức bộ máy và mức độ chuyên môn hóa của DN logistics VN nhìn chung còn yếu kém. Hầu hết các DN logistics VN chưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài. Theo số liệu thống kê, có đến 80% DN VN cung ứng dịch vụ logistics ở cấp độ 1 và 2, số ít còn lại cung cấp dịch vụ logistics ở cấp độ 3 và 4. Như vậy, phần lớn các DN của VN chỉ đủ khả năng cung ứng và khai thác những công đoạn rất nhỏ trong toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng của dịch vụ logistics. Tuy rằng VN cũng có một số DN lớn, có bề dày kinh nghiệm hoạt động như Viettrans, Viconship, Vinatrans… nhưng các công ty này cũng chưa đủ khả năng để hoạt động ở mức toàn cầu. Đây là một điểm yếu lớn đối với các DN logistics VN bởi đặc điểm của lĩnh vực logistics là một chu trình khép kín, đòi hỏi cần phải tích hợp nhiều dịch vụ, có thể được thực hiện ở nhiều quốc gia.

THỰC TRẠNG CƠ SỞ HẠ TẦNG LOGISTICS

Cơ cấu cảng biển còn nhiều bất hợp lí. Hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít. Chính vì sự bất hợp lí này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diễn ra. Ngoài ra, trong số các cảng của VN thì hầu hết là cảng nhỏ, số lượng cảng quốc tế chiếm số lượng rất ít với 20 cảng. Các cảng chính là Sài Gòn, Hải Phòng và Đà Nẵng đều là cảng ở cửa sông, cách cửa biển khoảng 30km đến 90km. Điều này rất không thuận lợi cho các tàu lớn cập cảng, do đó, công suất các cảng này còn thấp. Hệ số khai thác của các cảng này còn thấp với mức chỉ đạt khoảng 50-70% công suất thiết kế. Hầu hết các cảng đang trong quá trình nâng cấp lên để luân chuyển container nhưng chỉ có thể tiếp nhận các đội tàu nhỏ. Các cảng này mặt khác còn chưa được trang bị các trang thiết bị xếp dỡ container hiện đại và rất thiếu kinh nghiệm trong quản lý xếp dỡ container. Mặt khác, khả năng tiếp nhận của cầu bến với tàu có trọng tải lớn còn ít. Hơn nữa, vì VN chưa có cảng nước sâu tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nên khi chuyên chở ra nước ngoài phải trung chuyển qua các cảng của nước ngoài và do đó làm tăng chi phí vận chuyển.

Hiện nay, VN có mạng lưới đường bộ có tổng chiều dài là 256.000km với 17,2 nghìn km đường quốc lộ và 23,5 nghìn km đường tỉnh lộ. Tuy vậy, hầu hết đường bộ của VN có mặt đường còn hẹp và chất lượng đường còn kém. Phần lớn quốc lộ chỉ có 2 làn xe cho hai hướng. Trên mạng lưới đường bộ có trên 7.000 cây cầu, trong đó cầu tốt chưa đến 80%. Về phân cấp đường bộ theo chức năng thì tỉ lệ giữa đường quốc lộ so với đường tỉnh lộ không có sự chênh lệch nhiều. Điều này khiến xe địa phương lưu thông đường quốc lộ quá nhiều nên đã gây nhiều ách tắc và tai nạn giao thông, đồng thời làm chất lượng đường nhanh chóng xuống cấp do lưu lượng tăng quá nhanh và nhiều.

Nước ta có khoảng 2.360 con sông và kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 220.000km, trong đó chỉ có khoảng 19% (tương đương 42.000km) là có khả năng khai thác về vận tải. Mạng lưới đường sông có trên 7.000 cảng và bến thủy nội địa các loại, trong đó có 126 cảng sông tổng hợp, trên 4.000 cảng bốc xếp hàng hóa, và 2.348 cảng bến khách sông. Nhìn chung các cảng thường có quy mô nhỏ với các thiết bị bốc dỡ hàng hóa lạc hậu, cũ kĩ, ít được bảo trì nên tỉ lệ cơ giới hóa còn thấp.

Kết cấu hạ tầng đường sắt còn lạc hậu, yếu kém so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năng lực vận chuyển còn thấp do quy mô còn nhỏ và chưa được hiện đại hóa. Hệ thống các kho tàng và bến bãi trên các tuyến đường sắt đều có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa. Nhà cung cấp dịch vụ đường sắt duy nhất của toàn hệ thống là Tổng Công ty Đường sắt VN hiện có khoảng 300 đầu máy và 5.000 toa tàu chứa hàng, trong đó có hơn một nửa số lượng toa đã quá cũ và những toa còn lại cũng không còn mới.

Nước ta hiện nay có 37 sân bay lớn nhỏ, trong đó có 24 sân bay dân dụng. Trong số này thì có 5 sân bay là có máy bay bay lịch bay quốc tế. Đối với đường bay nội địa, hiện có các công ty hàng không đang khai thác là Vietnam Airlines, Jetstar Airlines,… Ngoài Vietnam Airlines, quy mô của các hãng hàng không còn lại là không lớn. Tuy rằng các công ty hàng không thực hiện khá tốt việc luân chuyển và đưa đón khách, nhưng đường hàng không hiện nay có thể nói là chưa đủ phương tiện chở hàng cho việc vận chuyển vào thời gian cao điểm. Ba sân bay lớn nhất là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất vẫn chưa có nhà ga hàng hóa và khu vực hoạt động cho các đại lý logistics thực hiện việc gom hàng và khai quan như các quốc gia trong khu vực.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng logistics Việt Nam cần được quan tâm đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO