Kinh tế biển là đại nghiệp của dân tộc

01/01/1970 08:00

(VLR) Hơn 40 năm nghiên cứu về động lực học biển nhằm phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế biển VN, TS Trương Đình Hiển đã có nhiều công trình nghiên cứu áp dụng thành công vào thực tiễn, đặc biệt là phát triển các cảng biển nước sâu. Trao đổi với Lao Động về vấn đề phát triển kinh tế biển VN, ông nói:

Kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế sinh ra, tồn tại và phát triển dưới tác động trực tiếp và gián tiếp của biển. Từ định nghĩa này có thể thấy rằng lĩnh vực kinh tế biển vô cùng rộng lớn. Song cái gì cũng có cái cốt lõi của nó, nên cần phải nhìn vào cái căn bản, rường cột của kinh tế biển. Với VN hiện nay, cái cốt lõi chính là hệ thống cảng biển nước sâu và KCN phức hợp cùng với hệ thống dịch vụ và đô thị. Sự ra đời của hệ thống này sẽ hình thành các chuỗi đô thị, các nền công nghiệp phụ trợ, các khu chế biến và thương mại, các hệ thống dịch vụ và kèm theo là du lịch, ngân hàng tài chính, phát triển khoa học kỹ thuật biển. Từ ý nghĩa quan trọng như thế, chúng ta cần tập trung xây dựng các điểm trọng yếu đó và dần dần mở rộng ra.

Theo ông, VN có thể khai thác được hệ thống này hiệu quả như ông khẳng định?

- Gần 20 năm chúng tôi nghiên cứu, đưa ra mô hình cảng biển nước sâu và KCN phức hợp để làm hòn đá tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. . Nhiều thế kỷ qua, một số nước đã hình thành nền kinh tế biển dọc miền duyên hải, xây dựng các cảng nước sâu như Anh, Mỹ, Hà Lan và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc. Hệ thống này đã đưa các quốc gia thành các nước phát triển. Chưa kể, từ đó họ có bàn đạp để vươn ra khai thác kinh tế ở các quốc gia khác. Tại VN, Đảng, Chính phủ đã xác định được tầm quan trọng của vịệc xây dựng hệ thống các cảng nước sâu và KCN phức hợp, nên đã lựa chọn và đưa ra 15 khu kinh tế biển. Sự lựa chọn này rất khắt khe, sâu rộng, có căn cứ và dữ liệu, được sự tham gia của các bộ ngành, huy động được lực lượng các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia. Quyết định mở 15 khu kinh tế biển là có căn cứ, đúng với quy luật phát triển của thế giới, phù hợp với thực tiễn của VN. Hiện nay đã có một vài khu kinh tế biển đi tiên phong như Dung Quất, Nghi Sơn, Vũng Áng... và đã có những thành công.

Nhưng vẫn có không ít ý kiến đánh giá phát triển quá nhiều cảng biển, đầu tư nhiều kinh phí nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả?


- Quá trình này không thể đòi hỏi ngủ một đêm mà thành, cần phải có thời gian xây dựng, hoàn thiện. Các nước họ phải mất cả trăm năm, ngày nay điều kiện khoa học công nghệ phát triển cho nên nếu có rút ngắn thì VN cũng phải mất vài chục năm. Tôi cho rằng phát triển kinh tế biển là đại nghiệp của dân tộc, bởi vì nó không chỉ là kinh tế mà còn liên quan đến chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng. Và muốn làm được đại nghiệp thì cần phải có thời gian, đi từng bước chắc chắn, cẩn thận. Cũng phải thật khách quan để đánh giá, các khu kinh tế biển của VN đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Đồng ý như vậy, nhưng sự tác động đó chưa thực sự to lớn như kỳ vọng phải không thưa ông? Theo ông cần phải làm gì để thúc đẩy cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu của VN?

- Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Và để phát huy được hiệu quả, rút ngắn thời gian thì phải có các giải pháp đúng đắn và kịp thời. Theo tôi, trước hết là phải có sự hợp tác, tạm gọi là liên minh giữa các địa phương để tạo thành trục kinh tế biển. Có tổ chức tốt để không bị triệt tiêu lẫn nhau. Trục kinh tế này là trục đối xứng để lật cánh tiềm năng kinh tế từ biển vào và tiềm năng kinh tế từ đất liền ra biển. Khai thác tài nguyên và nhập khẩu hàng hóa không thể không thông qua cảng biển. Ngược lại, khai thác kinh tế từ nội địa cũng phải qua hệ thống này. Ở trong trục kinh tế biển, sẽ là các nhà máy chế biến, hệ thống dịch vụ đưa hàng hóa đi các địa phương trong nước và xuất khẩu. Muốn như vậy, cần phải có các dự án động lực, đủ sức hấp dẫn và khai thác tiềm năng của biển và đất liền. Tôi tin rằng, VN sẽ đến thời kỳ phát triển đó.

- Xin cảm ơn ông!



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế biển là đại nghiệp của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO