ASCM và KPMG đã công bố dữ liệu mới nhất từ Chỉ số ổn định chuỗi cung ứng, được xây dựng nhằm giúp các chuyên gia chuỗi cung ứng hiểu được sự ổn định trong hoạt động của Hoa Kỳ và đóng vai trò như phong vũ biểu cho cộng đồng chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy năm 2023 là một năm có sự cải thiện đáng kể cho ổn định chuỗi cung ứng, tuy vậy các chuyên gia nhìn nhận vẫn còn một số biến số dễ dẫn đến tình trạng “mong manh” của chuỗi cung ứng.
Báo cáo cho thấy khả năng trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch Covid-19 khó có thể đạt được trong năm 2024 do các yếu tố như việc đóng cửa đội tuần tra xuyên biên giới giữa các hành lang thương mại của Hoa Kỳ và Mexico cũng như xung đột địa chính trị gia tăng dẫn đến các cuộc tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để lạc quan, chẳng hạn như những nỗ lực lớn hơn ở các vùng lân cận ở Mexico và Canada, giúp giảm sự phụ thuộc vào các khu vực khác.
Giám đốc điều hành ASCM Abe Eshkenazi cho biết: “Trong khi những thách thức về chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, thì những cố gắng làm ổn định đang có xu hướng gia tăng là minh chứng cho những nỗ lực đáng khích lệ của rất nhiều chuyên gia về chuỗi cung ứng”. “Chỉ số tiếp tục cho thấy mọi người đang cùng nhau tạo ra sự khác biệt. Các tổ chức doanh nghiệp đang tiếp tục tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn lực chất lượng trong chuỗi cung ứng để giảm thiểu tình trạng gián đoạn, xây dựng khả năng phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng”.
Brian Higgins, Giám đốc điều hành tại KPMG, cho biết thêm: “Các yếu tố địa chính trị đã gây ra rủi ro cho lĩnh vực logistics, dẫn đến sự gián đoạn trong phân phối, vận chuyển và năng lực của ngành này. Điều quan trọng là phải liên tục theo dõi và thích ứng với bối cảnh địa chính trị phức tạp, cũng như chú ý đến các công nghệ mới, chẳng hạn như AI tích hợp, vì nó có vai trò quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của hoạt động quản lý chuỗi cung ứng”.