Dẫn đầu 6 thành phố trực thuộc Trung ương
Theo số liệu GRDP quý I/2025 của cả nước vừa công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 của thành phố Đà Nẵng tăng 11,36% so với cùng kỳ năm 2024.

Tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng đứng đầu các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng: 11,36%; thành phố Huế: 9,9%; Quảng Nam : 4,1%; Quảng Ngãi: 8,07%; Bình Định: 7,51%) và khối các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội: 7,35%; Hải Phòng: 10,07%; thành phố Hồ Chí Minh: 7,51%; Cần Thơ: 7,15%; thành phố Huế: 9,9%), xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước (Bắc Giang: 13,82%; Hòa Bình 12,76% và Nam Định: 11,86%).
Quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng quý 1-2025 theo giá hiện hành ước đạt hơn hơn 38.935 tỷ đồng, mở rộng 5.213 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Kinh tế Đà Nẵng trong những tháng đầu năm 2025 đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan. Trong đó, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các hoạt động, sự kiện được liên tục tổ chức, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng.
Du lịch Đà Nẵng đang cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn hơn đối với du khách quốc tế. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,5 triệu lượt, đạt 21,2% kế hoạch (KH) năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2024 (KH tăng 9,9%); doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 8.231 tỷ đồng, đạt 22,7% KH năm, tăng 21% so với cùng kỳ 2024 (KH tăng 16,2%).

Tính chung 03 tháng đầu năm 2025 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đà Nẵng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024 (Kế hoạch năm 2025 ước đạt 9,5%). Mức tăng trưởng này thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong 04 nhóm ngành chính, có 03 nhóm đạt được mức tăng trưởng dương, cụ thể: ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,6%.
Về thu hút đầu tư, tính đến ngày 31-3-2025, Đà Nẵng thu hút được 14.655,1 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 37,93 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt số dự án đầu tư trong nước quý I/2025 gấp đôi số dự án và tăng gấp 4,3 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2024, tiêu biểu là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Hoà Ninh thu hút đạt 6.203,5 tỷ đồng.
Trong đó, thu hút đầu tư ngoài các KCN, khu CNC, khu CNTT đạt 8.240,5 tỷ đồng vốn trong nước và 1,7 triệu USD vốn FDI; thu hút đầu tư trong các KCN, khu CNC, khu CNTT đạt 6.395,39 tỷ đồng vốn trong nước và 32,23 triệu USD vốn FDI.

Lũy kế đến nay, thành phố có 787 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký đạt 285.293,924 tỷ đồng.
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo dự toán giao năm 2025 ước đạt 900 tỷ đồng, bằng 10,32% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 10,32% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.605,281 tỷ đồng, bằng 33,5% so với dự toán; chi ngân sách địa phương là 6.101 tỷ đồng, đạt 29,6% dự toán, trong đó chi thường xuyên là 2.626 tỷ đồng đạt 22,9% dự toán.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Trước các cơ hội rộng mở từ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng Nghị quyết 136 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Đà Nẵng đang đẩy mạnh các ngành công nghệ cốt lõi, tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên tiếp cận với kiến thức tiên tiến, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Cuối tháng 3-2025, tại Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) phối hợp Ngân hàng Số Vikki tổ chức khai giảng các lớp đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho 80 giảng viên, sinh viên và kỹ sư trên địa bàn thành phố. Đây là một phần trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Sáng kiến này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 5.000 kỹ sư vi mạch và 2.000 kỹ sư trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố Đà Nẵng.
Ngân hàng Số Vikki cùng các đơn vị như Galaxy Holding đầu tư hệ thống phòng Lab hiện đại với ngân sách 100 tỷ đồng cho năm đầu tiên, bao gồm tập trung đầu tư trang thiết bị, xây dựng chương trình đào tạo, và chi phí vận hành.

Đến dự Lễ khai giảng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khoa học công nghệ tiên tiến là con đường bắt buộc để đi tắt đón đầu, với nhiều tiềm năng và đóng góp to lớn cho nền kinh tế. Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong tiếp cận, phát triển các công nghệ hiện đại và mong muốn Đà Nẵng không chỉ là nơi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm mà sẽ trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như vi mạch bán dẫn cung cấp cho thế giới.
Cùng với chiến lược đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này, từ ngày 27-2 đến 25-3-2025 đã có tổng cộng 20 dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố đã được xem xét, trong đó nhiều dự án đã được cấp quyết định và một số dự án được thông qua hỗ trợ. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với tiềm năng đóng góp lớn vào sự phát triển công nghệ của thành phố.
Với các hoạt động trên, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẵn sàng đón đầu những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số và đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á và kinh tế số đóng góp 35-40% GRDP thành phố, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư về công nghệ, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Trong quý I/2025, tại khu CNC Đà Nẵng diễn ra lễ động thổ dự án Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng (giai đoạn 1 800 tỷ đồng, giai đoạn 2 dự kiến 1.200 tỷ đồng) trên diện tích 2 ha. Đây được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Đà Nẵng đến thời điểm hiện tại.
Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là nền tảng hạ tầng số trọng yếu, phục vụ hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính công nghệ, điện toán đám mây, OTT, trí tuệ nhân tạo và nhiều ngành nghề khác đang chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi làn sóng chuyển đổi số.

Cuối tháng 3-2025, Tập đoàn FPT tổ chức khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bản dẫn tại Khu công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Đây là hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ của thành phố, với mục tiêu quy tụ 500 chuyên gia công nghệ làm việc vào năm 2025 và mở rộng trong tương lai. Tại đây cũng sẽ nghiên cứu phát triển 100% sản phẩm của FPT, kỳ vọng trung bình mỗi năm sẽ có 10 sản phẩm mới ra đời.
Trước đó, cuối tháng 2-2025, Đà Nẵng bắt tay với Tập đoàn Vingroup xây dựng chương trình hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2025 – 2030 và hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực như du lịch xanh, giao thông xanh, lối sống xanh.
Đặc biệt, hai bên sẽ nghiên cứu phát triển tuyến xe buýt điện Đà Nẵng – Huế; cùng nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực phát triển khu đô thị xanh thông minh, dự án nhà ở xã hội tại Làng Vân và các khu vực khác cũng như nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển khu thương mại tự do, trung tâm tài chính.

Song song đó, hai bên cùng xem xét khả năng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, tham gia đầu tư dự án phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có thể nói, đây là những dự án cụ thể hoá quyết tâm cao độ, sự vào cuộc mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 57- NQ/TW và Nghị quyết số 136/2024/QH15. Đồng thời, khẳng định tầm nhìn dài hạn của thành phố trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Sức bật mới từ các công trình, dự án trọng điểm
Trong những tháng đầu năm, Đà Nẵng tiếp tục triển khai công cuộc tái thiết đô thị, mang đến diện mạo mới cho thành phố, thu hút du khách trong và ngoài nước. Dự kiến một số dự án lớn trên địa bàn thành phố được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng trên 150.000 ngàn tỷ đồng.
Từ những ngày cuối tháng 2, cả thành phố bắt đầu rộn ràng, không khí hồ hởi, tấp nập trên những công trình xây dựng lan toả khắp nơi.

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, Đà Nẵng tổ chức gắn biển công trình Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng, có vốn đầu tư hơn 507 tỷ đồng; gắn biển công trình Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên, có vốn đầu tư hơn 223 tỷ đồng. Đồng thời, thông xe kỹ dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; đưa vào sử dụng công trình cải tạo cảnh quan vỉa hè bờ sông dọc tuyến đường Thăng Long.
Cuối tháng 3, Đà Nẵng chính thức khởi công hàng loạt công trình như dự án Cải tạo các tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm) với tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng; Công viên 29 tháng 3 thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí gần 673 tỷ đồng; dự án nâng cấp cải tạo Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 545 tỷ đồng; công bố dự án Tượng Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng;…

Các dự án được thành phố triển khai hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sử dụng hạ tầng giao thông của khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, an sinh xã hội, chăm phục vụ phát triển du lịch và đời sống người dân, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
Thành phố tập trung triển khai Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án để khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cùng với đầu tư công, các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân được các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu khẩn trương triển khai dồn dập.

Trung tuần tháng 3/2025, Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng – FPT City đã tổ chức Lễ khởi công tòa nhà chung cư FPT Plaza 4 với tổng mức đầu tư 2.790 tỷ đồng. Đây là công trình khởi đầu trong loạt các công trình, dự án của Tập đoàn FPT trên 5 ngàn tỷ đồng được triển khai tại thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2025.
Ngay sau đó, Công ty CP Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước tổ chức lễ khởi công Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng có quy mô hơn 97ha, tọa lạc tại phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) với tổng vốn đầu tư gần 11.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cũng được khởi động trên diện tích gần 30.000m2, với quy mô 300-500 giường bệnh và tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Có thể nói, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong 03 tháng đầu năm 2025 phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, tạo nên bước đột phá mạnh mẽ, góp phần tạo sức bật mới cho thành phố hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025.