Lời nguyền tài nguyên

06/09/2016 14:41

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Vào những năm 1960, sau khi phát hiện mỏ khí gas lớn ở vùng Groningen, biển Bắc, Hà Lan đã tập trung khai thác và xuất khẩu một lượng khí đốt lớn. Điều đó mang lại cho nước này nguồn ngoại tệ khổng lồ và nền kinh tế hà lan giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính nguồn ngoại tệ ấy đã tạo ra một loại nguy cơ về kinh tế mà tạp chí the Economist mô tả lần đầu tiên vào năm 1977 bằng thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease).

(Vietnam Logistics Review)Vào những năm 1960, sau khi phát hiện mỏ khí gas lớn ở vùng Groningen, biển Bắc, Hà Lan đã tập trung khai thác và xuất khẩu một lượng khí đốt lớn. Điều đó mang lại cho nước này nguồn ngoại tệ khổng lồ và nền kinh tế hà lan giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính nguồn ngoại tệ ấy đã tạo ra một loại nguy cơ về kinh tế mà tạp chí the Economist mô tả lần đầu tiên vào năm 1977 bằng thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease).

“Căn bệnh Hà Lan” và “lời nguyền tài nguyên”

Xuất khẩu khí đốt đã kéo theo nguồn ngoại tệ tràn vào, đẩy giá đồng nội tệ của Hà Lan (đồng guilder) lên cao. Điều đó làm giảm xuất khẩu và sức cạnh tranh của các ngành sản xuất khác trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo, dẫn đến hiện tượng giảm công nghiệp hóa. Mặt khác, khai thác khí đốt là ngành kinh doanh thâm dụng vốn, tạo ra rất ít việc làm. Từ năm 1970 đến năm 1977, tỉ lệ thất nghiệp ở nước này tăng từ 1,1-5,1%. Ngoài ra, trong nỗ lực hạn chế đồng guilder tăng giá quá nhanh, Hà Lan phải giữ mức lãi suất thấp, khiến đầu tư trong khu vực DN "tháo chạy" khỏi đất nước, hạn chế tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai. Tất cả những hiện tượng đó được The Economist xem như là những “triệu chứng” của “căn bệnh Hà Lan”. Sau này, các nhà kinh tế phát triển các mô hình liên quan, đã nới rộng nội hàm của thuật ngữ này sang các nguy cơ xảy ra khi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, kể cả các nguồn viện trợ hay nguồn vốn FDI, dẫn tới sự suy giảm của nguồn lực trong nước.

Trong nguyên lý chính yếu của mô hình căn bệnh Hà Lan, một ngành phát triển bùng nổ sẽ làm lu mờ các ngành khác trên hai phương diện, qua việc chuyển nguồn lực qua ngành đang bùng nổ (hiệu ứng chuyển dịch nguồn lực) và làm tăng chi tiêu ở các ngành phi thương mại (hiệu ứng tiêu dùng). Căn bệnh Hà Lan trở nên nghiêm trọng khi việc khai thác tài nguyên đột ngột giảm do giá tài nguyên giảm hay nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Sự biến động này có thể tạo ra một sự mất ổn định cho nền kinh tế và có thể lan ra và ảnh hưởng tới các ngành khác, dĩ nhiên gây thiệt hại cho ngành sản xuất và chế tạo nhiều hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng ngày càng đồng thuận rằng, căn bệnh Hà Lan đi cùng với một nền quản trị yếu kém là hai thành tố cơ bản để giải thích một khái niệm khác, gọi là “lời nguyền tài nguyên” (resource curse) được nhà kinh tế học Richard Auty dùng lần đầu vào năm 1993, trong cuốn sách của mình có tựa đề “Duy trì phát triển trong các nền kinh tế khoáng sản: giả thuyết lời nguyền tài nguyên”. Ông đã chỉ ra rằng "không chỉ các quốc gia giàu tài nguyên có thể thất bại trong việc làm lợi từ của trời cho, thậm chí các nước này còn hoạt động kém hiệu quả hơn các nước khác mà thiên nhiên kém ưu đãi hơn". Các nghiên cứu cũng cho thấy việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thậm chí bùng nổ khai thác tài nguyên, để giải quyết các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, có thể gây ra các hậu quả tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong dài hạn. Đó là chưa nói đến các hệ quả kinh tế, chính trị do sự “ỷ lại” vào tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác. Vì thế, không nên coi tài nguyên thiên nhiên như là vận may vô tận, mà đòi hỏi cách quản lý kinh tế vĩ mô phù hợp và quản trị hiệu quả, cụ thể là dưới dạng thể chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Bài học nào cho Việt Nam?

Không thể phủ nhận các động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong những năm qua dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng lao động giá rẻ, cùng với nguồn vốn ODA và đầu tư từ nước ngoài. Việt Nam được coi là một nước giàu tài nguyên hydro-carbon (dầu mỏ và than đá). Các thống kê chính thức trong nước cho thấy ngành khai khoáng (cả dầu thô) chỉ đóng góp 10-11% vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, các tính toán khác của IMF hay GSO lại thể hiện mức xuất khẩu của các mặt hàng này chiếm 31,2% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu. Nếu tính cả xuất khẩu các loại khoáng sản khác, đặc biệt là titan, đồng, kẽm, vonfram..., thì tỷ lệ đóng góp của tài nguyên thiên nhiên tới tổng xuất khẩu cũng như tổng thu nhập quốc dân sẽ cao hơn nhiều.

Trong thực tế, Việt Nam chưa vướng vào “căn bệnh Hà Lan” nhưng nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có nếu thiếu các biện pháp chấn chỉnh quản lý vĩ mô. Ngành khai khoáng của Việt Nam đang phải đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững do nhiều yếu tố như cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, mức độ thực thi pháp luật kém và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Mới đây nhất, vụ việc làm ăn gian dối, nợ đọng thuế và bê bối trong hoàn trả hiện trạng của hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besratrên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Một số địa phương ở miền Trung đã chọn khai thác titan, thay vì du lịch, để thu lợi nhanh. Đáng quan tâm nhất là các địa phương có cơ cấu thu chi ngân sách phụ thuộc lớn vào khai khoáng. Chẳng hạn, khi so sánh mô hình phát triển của tỉnh Quảng Ninh (dựa vào tài nguyên khoáng sản) với tỉnh Vĩnh Phúc (hầu như không có tài nguyên khoáng sản), có thể thấy sự bền vững của tăng trưởng và chất lượng môi trường hai tỉnh rất khác nhau. Quảng Ninh đứng thứ năm về tổng thu ngân sách theo con số tuyệt đối, song nếu so sánh mức thu ngân sách trên tổng mức đầu tư của xã hội, Vĩnh Phúc lại bỏ xa Quảng Ninh.

Cần thấy rằng, cách đây vài chục năm, việc phải chấp nhận bán một phần nguồn lực khoáng sản, đặc biệt là dầu khí và than đá, để tạo đà cho sự phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề khai thác tài nguyên, những tác động tiêu cực đến môi trường cũng như bài toán kinh tế tài nguyên cần được cấp thiết đặt ra. Việt Nam chủ yếu bán tài nguyên thô, còn chế biến sâu rất ít. Trong khi đó, các DN vẫn phải nhập các loại khoáng sản chế biến sâu, cũng là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp quan trọng. Chẳng hạn, dầu thô là loại khoáng sản mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nhưng cũng chỉ đủ để nhập khẩu lại xăng dầu các loại cho tiêu dùng trong nước.

Bài học sâu sắc nhất từ “căn bệnh Hà Lan” chính là vấn đề bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Cần những quy định và cơ chế tăng cường sự minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là về nguồn thu, là rất cần thiết. Những khoản thu đột ngột từ xuất khẩu khoáng sản cần được chuyển vào các quỹ đầu tư đặc biệt để đầu tư vào các dự án sinh lợi, nhất là phục vụ các ngành công nghiệp nội địa dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập quốc tế như dệt may và da giày. Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, là một giải pháp khác giúp đạt được phát triển bền vững. Các chính sách đó cần được đan xen với các chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp, tăng dự trữ ngoại hối, để ngăn chặn lạm phát và thâm hụt ngân sách do tăng cường chi tiêu công, cũng như tránh rủi ro và bảo tồn nguồn vốn.

Ngoài ra, cần duy trì một nền kinh tế đa dạng, không quá phụ thuộc vào ngành nào. Đây là bài toán khó. Theo đánh giá của Đại học Harvard, độ đa dạng của nền kinh tế Việt Nam không cao hơn bao nhiêu so với các nước Trung Đông phụ thuộc vào dầu khí như Ả Rập Saudi, Oman hay Kuwait, và bị bỏ xa bởi các nước láng giềng như Philippines và Thái Lan. Với triển vọng phát triển bùng nổ của ngành dệt may sau khi gia nhập TPP, hiện đã sử dụng hơn 2 triệu lao động và đóng góp hơn 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tính đa dạng của kinh tế Việt Nam có thể sẽ còn tiếp tục đi xuống. Để đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, cần tiến hành những biện pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ khu vực tư nhân và thúc đẩy năng suất của các ngành sản xuất - dịch vụ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Lời nguyền tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO