"Năm Du lịch quốc gia 2023" và xu thế "Du lịch xanh"

Ngô Đức Thành Nam |26/03/2023 21:57

Sản phẩm du lịch xanh được hiểu là những sản phẩm du lịch có hàm lượng cao các yếu tố thân thiện môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Du lịch xanh trong những năm gần đây không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành một xu hướng, đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. 

hinh-anh-cac-loai-hinh-du-lich-3.jpg
Du lịch sinh thái, một thành tố của du lịch xanh

"Năm Du lịch quốc gia 2023", vừa diễn ra tại Bình Thuận cũng được xác định chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh", sự kiện đánh dấu tròn 20 năm ra đời Năm Du lịch quốc gia.

Sự kiện có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2023 tham dự buổi lễ.

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững.

Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm xanh cần đạt các tiêu chí sau: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt (thực hiện) được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tính chất tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.

Với cách tiếp cận trên, sản phẩm du lịch xanh được hiểu là những sản phẩm du lịch có hàm lượng cao các yếu tố đặc biệt là dịch vụ, thân thiện môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của điểm đến du lịch bên cạnh một số yếu tố khác như mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra, vào phương tiện); hình ảnh, thông tin về điểm đến.

Du lịch xanh được áp dụng trong hệ thống khách sạn, đơn vị vận chuyển, kinh doanh lữ hành, nhà hàng bằng các biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý nước thải tránh ô nhiễm, thu gom triệt để rác thải, giảm tiếng ồn, hạn chế sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh.

Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững...

"Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030", ban hành kèm theo Quyết định 147/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020, xác định: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

base64-1679758352472994401092.png
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023

“Năm Du lịch quốc gia năm 2023”, với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" một lần nữa khẳng định quan điểm không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch bền vững theo đúng chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều năm qua đất nước, và ngành du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế, đó là: "Việt Nam - đất nước an toàn" và hình ảnh "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", "Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách".

Việt Nam là đất nước được tạo hóa ban tặng tiềm năng du lịch vượt trội. Phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, cũng một nhiệm vụ rất quan trọng được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Chúng ta đang thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới và du lịch đóng góp khoảng 14 đến 15% tổng sản phẩm quốc nội (mục tiêu đến năm 2030).

Để làm được điều này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều phải hành động và "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch", với tư duy tiếp cận xanh, bền vững

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Năm Du lịch quốc gia 2023" và xu thế "Du lịch xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO