Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Nghệ An năm 2023

Duy Ngợi|25/11/2023 11:27

Tuy tình hình năm 2023 rất khó khăn ảnh hưởng đến thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng nhưng những kết quả tỉnh đạt được rất tích cực.

na1.jpg
Tổng kim ngạch xuất khẩu Nghệ An ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022

UBND tỉnh Nghệ An vừa phát thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Nghệ An năm 2023.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,3% (số liệu chính thức sẽ được cập nhật khi Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 30/11/2023). Trong đó, nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,45%; công nghiệp – xây dựng ước tăng 7,68%; dịch vụ ước tăng 8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,0%.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, bằng 112,07% dự toán, bằng 79,02% thực hiện năm 2022; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 16.600 tỷ đồng, đạt 113,8% dự toán, bằng 78,45% so với thực hiện năm 2022. Chi ngân sách năm 2023 ước thực hiện 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán.

Sản xuất nông, lâm và thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 1,14% so với cùng kỳ. Chăn nuôi tiếp tục ổn định và phát triển. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 20.500 ha, bằng 87,06% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 277.751 tấn, tăng 4,11%. Các địa phương tích cực triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới (dự kiến luỹ kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có: 319/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,62% tổng số xã; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn Nông thôn mới).

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 8,36 triệu lượt, tăng 24,22% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú ước đạt 5,28 triệu lượt, tăng 19,67%; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 39,24% so với cùng kỳ.

Kết quả thu hút đầu tư năm 2023 đạt kết quả rất tích cực: Tính đến ngày 15/11/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 104 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 39.634,2 tỷ đồng. Điều chỉnh 151 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 42 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 6.455,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 46.089,8 tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 15/11/2023 là 1.298,07 triệu USD.  

na3.jpg
Thu hút đầu tư FDI là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh Nghệ An năm 2023

Tính đến ngày 20/11/2023, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân 6.004,592 tỷ đồng, đạt 66,47%; Dự kiến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch.

Tuy nhiên, trong năm 2023, Nghệ An có 4 chỉ tiêu chưa đạt (tốc độ tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa). Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra; nhiều đơn vị tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Việc thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược như Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh chưa hoàn thiện các thủ tục để thực hiện.

Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu ở mức cao nhất trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành riêng cho tỉnh Nghệ An. Báo cáo Quốc hội để ban hành Nghị quyết bổ sung thêm cơ chế chính sách cho tỉnh. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Hoàn thành Đề án mở rộng địa giới thành phố Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, Đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, các công trình trọng điểm. Thực hiện ở mức cao nhất giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính với quan điểm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không phân biệt đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài khi đã đến với tỉnh là phải đồng hành, phải hỗ trợ, phải coi các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là khó khăn, vướng mắc của tỉnh để tháo gỡ. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng các khu công nghiệp mới để tận dụng tối đa trong thu hút đầu tư. Thực hiện hết chỉ tiêu đất khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức các cấp. Duy trì và đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự xã hội. Giải quyết các bức xúc ngay từ cơ sở.

Bài liên quan
  • Nghệ An, Hà Tĩnh tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đầu tư
    Đó là khẳng định của lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài ngày 16/11 để cập nhật tiềm năng, cơ chế chính sách đầu tư, dự án và doanh nghiệp để kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Nghệ An năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO