Nhọc nhằn chuyển đổi logistics xanh

TS. Võ Duy Nghi |19/04/2023 16:25

Logistics xanh đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành logistics. Tuy nhiên để chuyển đổi từ hoạt động logistics thông thường sang logistics xanh, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ nhằm giảm phát thải; sử dụng nhiên, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

Logistics xanh đang là xu thế  chi phí đầu tư quá lớn là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ e ngại chuyển đổi sang logistics xanh. Bài toán chi phí và hiệu quả đang làm chậm lại quá trình “xanh hoá” ngành logistics. Bên cạnh đó các chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển lĩnh vực logistics xanh chưa được quan tâm đúng mức ở bình diện vĩ mô là những tác nhân làm cho nhiều doanh nghiệp logistics thờ ơ với logistics xanh.

Doanh nghiệp chưa "mặn mà" với logistics xanh

Một trong những lý do chủ yếu mà các doanh nghiệp logistics hiện nay chưa “mặn mà” với logistics xanh là vấn đề chi phí. Để chuyển đổi sang hoạt động logistics xanh doanh nghiệp cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường bên cạnh những thiệt hại do thanh lý phương tiện cũ, lạc hậu. Hiện nay doanh nghiệp logistics đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải là những tác nhân phát thải CO2 lớn nhất nhưng chưa bị áp lực về hạn chế phát thải nên họ vẫn chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các chính sách hiện hành chưa có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang logistics xanh. Cụ thể nhà nước chưa có chính sách tín dụng ưu đãi để các doanh nghiệp logistics có nguồn vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị theo hướng hiện đại, ít ô nhiễm môi trường hơn. Các chính sách thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp logistics mua sắm trang thiết bị, công nghệ cũng không có gì ưu đãi đặc biệt so với các doanh nghiệp khác.

industrial-park-factory-building-warehouse-compressed.jpeg

Logistics xanh đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp logistics hạn chế phát thải và thu hồi lại được một phần chi phí đầu tư thông qua việc bán tín chỉ các bon. Ngược lại, do bị hạn chế bởi quota phát thải buộc các doanh nghiệp logistics phát thải nhiều phải mua lại tín chỉ các bon từ các doanh nghiệp logistics xanh, nhưng hiện nay Việt Nam chưa hình thành thị trường các bon như một số nước trên thế giới và khu vực nên không thể tạo ra động lực hoặc tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp “xanh hoá” hoạt động logistics.

Ngoài ra, do hạ tầng giao thông lạc hậu nên tốc độ lưu thông của phương tiện vận tải chậm, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, tiêu hao nhiên liệu nhiều nên sẽ phát thải CO2 nhiều hơn. Cũng do cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu, yếu kém nên hiện nay nhiều tuyến đường bộ của Việt Nam bị hạn chế tải trọng dẫn đến hệ số sử dụng trọng tải không cao, gây ra lãng phí và hậu quả là phát thải càng nhiều do sử dụng số lượng phương tiện vận tải nhiều hơn.

hong-kong-port-industrial-district-with-cargo-container-ship-stonecutters-bridge-compressed.jpeg

Một thực trạng nữa là ở Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp vận tải sử dụng phương tiện vận tải theo dạng tổ hợp đầu kéo - rơ mooc - rơ mooc (LCVs:long combination vehicles) trong khi đây là phương thức vận tải phổ biến ở nhiều nước do chở được trọng tải lớn hơn, tiết kiệm được nhiên liệu và giảm phát thải. Có thể do đây là loại phương tiện theo quy định hiện hành phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt và quá trình xin giấy phép mất thời gian và tăng chi phí nên phần lớn các doanh nghiệp vận tải không đầu tư loại phương tiện này.

Cần tạo hành lang pháp lý và đầu tư cơ sở hạ tầng

Để khuyến khích các doanh nghiệp logistics đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhà nước cần có những chính sách ưu đãi tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp logistics. Hiện nay các doanh nghiệp logistics rất cần nguồn vốn ưu đãi để đầu tư các phương tiện vận tải không sử dụng nhiên liệu hoá thạch, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là rất khó khăn và hiện không có chính sách tín dụng dành riêng cho các dự án đầu tư logistics xanh. Nhà nước cần dành nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục giải ngân đơn giản để các doanh nghiệp logistics có thể vay đầu tư các dự án chuyển đổi sang logistics xanh.

Cần sớm hình thành thị trường tín chỉ các bon theo Luật môi trường 2020 để các doanh nghiệp phát thải nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng có thể chuyển nhượng mua bán các chứng chỉ này. Khi hình thành thị trường tín chỉ các bon các doanh nghiệp đầu tư theo hướng logistics xanh sẽ có điều kiện cắt giảm chi phí đầu tư do giảm khí thải nên sẽ bán được các tín chỉ này cho các doanh nghiệp khác. Đồng thời, các doanh nghiệp logistics phát thải nhiều sẽ bị áp lực phải trả phí phát thải do vượt quá quota cho phép nên sẽ tích cực hơn trong việc “xanh hoá” hoạt động logistics của doanh nghiệp mình.

cargo-containers-shipping-yard-forklift-delivery-shipping-logisti-compressed.jpeg

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải yếu kém là tác nhân tăng phát thải nên về lâu dài nhà nước cần đẩy nhanh việc mở rộng, đầu tư mới các quốc lộ, cao tốc, tuyến đường sắt Bắc - Nam nhằm nâng cao tải trọng cầu đường, tăng tốc độ vận chuyển để giảm phát thải.

Theo báo cáo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019, việc chuyển đổi từ phương thức vận tải chủ lực hiện nay là từ đường bộ sang đường thuỷ nội địa và ven biển cũng như đường sắt sẽ giúp giảm phát thải và giảm chi phí vận tải rất lớn. Tuy nhiên để chuyển đổi các phương thức vận tải này nhà nước cần nguồn ngân sách rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đường thuỷ nội địa và tuyến ven biển: nạo vét luồng lạch, xây dựng cảng, tuyến giao thông kết nối và các công trình phụ trợ có liên quan.

Đối với các doanh nghiệp logistics cần tối ưu hoá tuyến đường vận chuyển, bố trí hợp lý các kho bãi, trung tâm phân phối để rút ngắn cung đường vận chuyển, từ đó vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm phát thải nhằm thực hiện mục tiêu logistics xanh. Các doanh nghiệp logistics cần phối hợp với khách hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics khác (LSPs) bảo đảm sử dụng tối đa trọng tải thiết kế của phương tiện vận tải, kết hợp hàng hai chiều từ đó sẽ giảm phát thải.

Bài liên quan
  • Phát triển logistics xanh như thế nào? (Kỳ 1)
    Xu hướng logistics xanh, logistics thông minh đang phát triển mạnh mẽ trong ngành dịch vụ logistics thế giới. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng đang tiếp cận và phát triển theo hướng hiện đại đó - Logistics xanh gắn với chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn chuyển đổi logistics xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO