Phát triển khu kinh tế biển: Tránh “lạc quan ảo”

01/01/1970 08:00

(VLR) Tầm nhìn phát triển các khu kinh tế biển (KKTB) thấp trong suốt 1 thời gian dài đã dẫn đến sức đóng góp hạn hẹp. So sánh với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản. Dù sớm hay muộn các KKTB cần định hình lại mô hình phát triển.

Thay đổi mô hình "xương sống”?
Kể từ khi KKT ven biển đầu tiên là KKTM Chu Lai được thành lập vào năm 2003 đến nay đã có 14 KKTB được thành lập, gồm: 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng, 10 ở vùng duyên hải miền Trung; và 2 ở miền Nam. Tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển của 14 KKTB là 627.633 ha.
Theo một tính toán của TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, nếu như 1 ha cần đầu tư 3,8 triệu đô la (bằng mức đầu tư ở các khu công nghiệp hiện nay) thì Việt Nam cần khoảng 2.000 tỷ đô la, bằng toàn bộ đầu tư cả nước trong 50 năm nữa để hoàn thiện bản đồ KKTB đã phê duyệt. Thế nhưng, theo thống kê sơ bộ, với "lão làng” KKTB Chu Lai cũng chỉ mới thu hút được 66 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện chỉ đạt 600 triệu USD. Còn với mô hình KKTB Dung Quất hiện đại, được kỳ vọng lớn, Phó Trưởng ban Quản lý KKT ông Lê Văn Dũng cũng phải thừa nhận: Sự phát triển của KKT Dung Quất đang có dấu hiệu chững lại bởi mới chỉ phát triển dựa vào "xương sống” của Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà chưa tìm được hướng phát triển mới. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động bất lợi đến thu hút vốn FDI vào Dung Quất. Một số dự án qui mô lớn như dự án thép JFE (Nhật bản), dự án đóng tàu của Mitsui Shipyard, xi măng Đại Việt, xi măng Chinfon... phải tạm dừng hoặc trì hoãn.
9 năm phát triển nhưng đến thời điểm này, hầu hết các KKT của Việt Nam vẫn chuyển động ì ạch, èo uột. Các dự án thuộc KKT chưa thể hiện vai trò động lực, chưa tạo ra được giá trị gia tăng cần thiết, khi dự án cốt lõi bị "giãn” năng lực khiến cho cả "thuyền” KKT gặp khó. Do vậy, khi lên kế hoạch cho một KKTB phải có 2, 3 ngành cốt lõi nhằm tạo ra những "quả đấm thép”. Với quy mô một KKTB bằng 100 KCN về mặt diện tích (thậm chí cả vốn đầu tư) nhưng khi lên quy hoạch không có điểm nhấn đã tạo nên những đóng góp hạn chế.
Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thừa nhận rằng, ngoài số ít KKT vẫn chỉ trong giai đoạn hoàn thành các công tác quy hoạch chung, còn phần lớn các KKT khác hiện đang trong giai đoạn xây dựng quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện tiền đề cho việc lập dự án và huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí trong các KKT đã được phê duyệt, có cả một số KKT không đáp ứng được 3 tiêu chí cơ bản để phát triển hiệu quả là: Có dự án động lực, có cảng biển nước sâu và có sân bay.
Chọn lọc để đột phá
Hiện nay diện tích đất của các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KKTB mới đạt khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho sản xuất kinh doanh. Nếu so với các KCN trong cả nước, quy mô các KKTB lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKTB thấp hơn rất nhiều. Trong vài năm gần đây, tổng doanh thu hằng năm của các KKTB khoảng 6 - 8 tỷ USD. Đóng góp ngân sách hàng năm chỉ khoảng 500 - 600 triệu USD.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế khẳng định: "Ngay bây giờ phải xem xét lại quy hoạch KKTB. Để KKTB phát triển thông thoáng, đúng tầm thì chỉ nên phát triển khoảng 3 KKTB là đủ.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, hiện tầm nhìn phát triển KKTB thấp, không tạo cơ sở cho sự phân công và liên kết phát triển hợp lý giữa các KKT và ít gắn với logic kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, hai lực lượng nòng cốt để phát triển hiệu quả các KKTB là lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao lại bị thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Vì vậy, theo ông Thiên việc phát triển KKTB trong thời gian tới chỉ nên tập trung cho 4 KKTB quy mô lớn gắn với 4 vùng kinh tế trọng điểm. Đây chính là 4 cửa mở quốc tế, 4 tọa độ kết nối phát triển vùng, là điều kiện, tiền đề cho sự bùng nổ và lan tỏa phát triển vùng: KKT Hải Phòng; KKT Đà Nẵng-Lăng Cô-Chân mây; KKT tự do Vũng Tàu và đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Như vậy, dù chỉ nên phát triển 3 KKTB theo ý kiến của các chuyên gia hay tập trung 5, 6 KKTB theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu Tư Bùi Quang Vinh thì trước hết đã đến lúc cũng cần nhận ra rằng về quản lý đầu tư, về tuyển chọn và thành lập mới các KKTB đang còn nhiều bất cập. Các KKTB được quy hoạch hiện nay phân bố gần nhau đã khiến cho việc đầu tư nhang nhác giống nhau. Tình trạng tỉnh nào cũng cố gắng đầu tư cảng biển, khu kinh tế mở, khu đô thị... trong vài năm gần đây khiến cho nhiều "công trình” bị dở dang và trở thành "lạc quan ảo”.
Việt Nam có thế mạnh về biển, việc phát triển KKTB cũng là tất yếu nhưng cần hướng sự phát triển của mỗi khu vào một lĩnh vực được chuyên môn hóa.
Đ.H

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển khu kinh tế biển: Tránh “lạc quan ảo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO