Thách thức cho chính sách tiền tệ

TS. Nguyễn Văn Khanh|21/03/2023 16:21

Năm 2023 chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ như thế nào để đối phó với những diễn biến khó lường về kinh tế thế giới như lạm phát, xung đột Nga – Ukrane; động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria; biến thể dịch Covid...? Theo đó là tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)...

Kinh nghiệm điều hành và phòng ngừa rủi ro nợ xấu

Tình hình chung của năm 2022 là CSTT thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tăng lãi suất nhanh tại các quốc gia làm giá USD tăng cao. Lãi suất tăng lên làm dòng vốn dịch chuyển và các hoạt động trở nên không bình thường. Tất cả đã tác động tới điều hành CSTT của Việt Nam. Sau 2 đợt NHNN tăng lãi suất điều hành, đã góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%, đạt mục tiêu đề ra. Năm nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát dưới 4,5%.

close-up-time-money-with-green-bokeh-background-business-finance-money-concept-compressed.jpeg

Với các giải pháp điều hành CSTT được triển khai đồng bộ, năm 2022, ngành ngân hàng (NH) đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Theo đó, lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát CPI bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, đây là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thực tế, từ tháng 10/2022 khi xảy ra sự cố Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, giải tỏa tâm lý thị trường và các vấn đề còn tồn tại để bảo đảm an toàn hệ thống trước những rủi ro hiện hữu.

Đến cuối năm 2022, tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. VND mất giá ở mức thấp (3,5%), mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Việc cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, nhà đầu tư nước ngoài của VN được bảo đảm.

Ngày 1/2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.

Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, với kế hoạch dừng tăng lãi suất trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế Mỹ có triển vọng kém tích cực, sẽ giúp giảm áp lực mất giá đối với đồng VND trong năm nay, giúp cho đồng VND sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022.

stock-exchange-market-concept-hand-touching-trading-icon-screen-with-graphs-analysis-candle-line-bokeh-colors-light-compressed.jpeg

Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023, CSTT năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. Đón đầu việc này, ngày 8/2/2023, NHNN có cuộc họp với nhiều tập đoàn bất động sản để bàn phương án tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 sẽ chỉ ở mức 14-15%, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Theo đó, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư TPDN, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm
soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...); tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận tín dụng NH.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 NHTM, tổng số dư nợ xấu các NH đến thời điểm 31/12/2022 đã tăng đến 35% so với cuối năm trước, lên trên 136.400 tỷ đồng.

Ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm. Kinh tế trong nước cũng đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen, dự báo GDP VN tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6 - 6,5%. Trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8 - 10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%.

Lạm phát năm 2022 tương đối thấp, tuy nhiên VN tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12/2022 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4%. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước mà VN còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên.

Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 đã tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, lạm phát vẫn là một trong những thách thức và nhiệm vụ quan trọng của CSTT năm nay. VN đã hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do vậy, lạm phát trong nước cũng chịu sức ép từ lạm phát nhập khẩu từ các quốc gia, gây tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, CSTT nên duy trì ở trạng thái thận trọng nhưng cũng cần linh hoạt để có thể chủ động trong bối cảnh bất định.

Lạm phát ngay quý đầu năm 2023 ước trên 5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, giá hàng hóa thế giới vẫn là ẩn số khó lường. Áp lực tăng lãi suất, tỷ giá vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô.

Do vậy, định hướng điều hành CSTT năm 2023 của NHNN rất thận trọng là hướng tới mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định bền vững an toàn lành mạnh. Tuy nhiên, việc định hướng điều hành trong năm 2023 từ CSTT, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng... có rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế VN có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới gần 730 tỷ USD, tương đương với 190% GDP.

NHNN sẽ tiếp tục những chính sách hết sức linh hoạt và bảo đảm được cân đối chung để bảo đảm được niềm tin cho DN, người dân trong nền kinh tế đối với việc duy trì sự ổn định lãi suất cũng như ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tập trung cung ứng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu, phụ tùng thay thế, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này; những lĩnh vực thu mua lương thực nông sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên...

close-up-male-hands-counting-dollar-bills-compressed.jpeg

Mặc dù lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020- 2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.

NHNN dự kiến sẽ cân bằng CSTT để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động NH. Với những kinh nghiệm năm 2022, hy vọng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng kinh nghiệm đó cho việc điều hành trong năm 2023.

Bài liên quan
  • Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam
    (VLR) Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (gọi tắt là Báo cáo), trong đó tiếp tục xem xét các đối tác thương mại chính trên cơ sở 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thách thức cho chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO