Đến nay, hệ thống Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch chi tiết gồm có 62 bến, trong đó có 10 bến container, 22 bến tổng hợp, còn lại là bến chuyên dùng, với công suất lưu chuyển hàng hóa dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn có các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics...
Được đầu tư, phát triển sau so với nhiều cảng biển quốc gia, Cảng biển Nghi Sơn đã khắc phục được những hạn chế về sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng cảng. Hiện khu vực Cảng Nghi Sơn đã có nhiều khu, bến cảng hoàn thiện đầu tư hạ tầng và đi vào khai thác, vận hành, như khu cảng tổng hợp số 1 gồm 12 bến cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; 3 khu vực cảng chuyên dùng gắn với các dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 1 cầu cảng nhập than của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2...
Nhờ đó, Cảng Nghi Sơn đã tiếp nhận tàu với trọng tải lớn nhất lên đến 320.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 161% so với năm 2021; số thu ngân sách nhà nước qua cảng Nghi Sơn đạt hơn 17.600 tỷ đồng.
Để tiếp tục tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248 về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31/12/2026. Đây thực sự là chính sách ưu đãi có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Được biết, sau khi Nghị quyết số 248 được ban hành, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với các hiệp hội doanh nghiệp, các hãng tàu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình để phổ biến chính sách, đồng thời cùng trao đổi về những kiến nghị, vướng mắc khiến các doanh nghiệp còn chần chừ với cơ hội đầu tư và đề xuất các phương án tháo gỡ. Đồng thời, kêu gọi thêm các hàng tàu có lợi thế ở khu vực Đông Á cùng hợp tác, liên kết để hạ giá thành phí dịch vụ vận chuyển qua cảng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm và duy trì bền vững hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn.
Tính đến thời điểm này, đã có 2 đơn vị vận tải biển là CMA-CGM và VIMC mở tuyến container qua Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa. Điều này thể hiện kết quả tích cực trong việc tỉnh Thanh Hóa nỗ lực kêu gọi và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các hãng tàu, đơn vị logictics và các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ vận tải và vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.
Việc mở tuyến tàu container qua cảng Nghi Sơn không chỉ giảm chi phí vận chuyển cho các doanh xuất nhập khẩu của tỉnh Thanh Hoá mà còn thu hút được khoảng 12.000 container của các doanh nghiệp Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình qua cảng mỗi năm. Theo tính toán của Chi cục Hải Quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, sau khi tuyến container đi vào hoạt động ổn định, dự kiến, hàng năm sẽ thu thuế xuất nhập khẩu tăng thêm cho tỉnh đạt khoảng từ 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tiết kiệm 45 – 50% chi phí vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp Thanh Hoá cũng làm cho thu nộp ngân sách nội địa tăng cao; giải quyết thêm việc làm cho người lao động địa phương; giảm tải phương tiện vận tải đường bộ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận.