TP. Hồ Chí Minh sau 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)|02/12/2022 09:24

Muốn đặc thù thì phải khác biệt, nhưng muốn khác biệt lại không đúng luật. Đặc thù cũng không phải là đưa TPHCM thành khu tự trị, mà ở tốc độ phát triển đang chậm hơn yêu cầu thực tiễn, nên cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá.

ab4.jpg
Tốc độ phát triển đang chậm hơn yêu cầu thực tiễn, nên cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá. Ảnh: Internet

5 năm “thí điểm” cơ chế chính sách

Ngày 24/11/2017, Quốc hội 14 có Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy TP.HCM chỉ có thêm một năm, và khoảng thời gian này có thể sẽ không đủ dài, trong khi còn nhiều thách thức đối với việc mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện?

Thực ra, Nghị quyết 54/2017/QH14, có hiệu lực từ 15/01/2018, như vậy mới đủ 5 năm thí điểm. Không thể phủ nhận, khi triển khai Nghị quyết 54, TP.HCM đã đạt những bước tiến mạnh sau khi được phân cấp, phân quyền thực hiện 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Cũng thấy rõ, có nhiều việc lớn, lãnh đạo thành phố rất muốn làm, nhưng vì mới, vì khó, và trước khi làm đã lắng nghe, tham vấn, cân nhắc, sau đó lại lưỡng lự, chưa mạnh dạn đưa ra, do có ý kiến trái chiều…

Đơn cử, theo giải trình của TP.HCM trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những việc nghị quyết đã có nhưng thực hiện không đơn giản, như khi thu hồi đất lúa trên 10 héc ta để thực hiện dự án thì vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư dẫn đến chậm triển khai. Hay các dự án đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao đều khó thực hiện do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) không cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được xã hội hóa. Rồi việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải tạm dừng do chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất…

Về nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân và phân cấp cho TP.HCM quản lý. Vậy khi đã giao cho thành phố quản lý thì phải cho TP.HCM định giá lại doanh nghiệp và xem đó như nguồn tài sản của thành phố. Khi đó, thành phố được dùng nguồn tài sản này để phát triển, không dùng chi thường xuyên, hoặc có thể thoái vốn, bán doanh nghiệp lấy tiền làm những dự án, như cải tạo rạch Xuyên Tâm chẳng hạn. Tuy nhiên, do chưa phân cấp triệt để cho TP.HCM mà thẩm quyền còn “lửng lơ”, rất khó thực hiện.

Cơ chế trung ương cũng cho thành phố hưởng khi ngân sách tăng thu, song đã 5 năm qua, tăng bao nhiêu thì thành phố được hưởng, vẫn chưa rõ ràng. Hiện TP.HCM chủ yếu vay trái phiếu chính phủ, quyền phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình… còn rất hạn chế. TP.HCM vẫn chưa được quyết trong sắp xếp bộ máy, bị áp chế tinh giản nhân sự; khối lượng công việc quá nhiều, biên chế cơ sở không tăng, một người làm việc bằng ba trong khi lương cơ sở thấp, hệ số lương, chức vụ vẫn đóng khung, không linh hoạt, không thu hút được công sức, trí tuệ nhân tài phục vụ trong bộ máy chính quyền.

img2757-1669555150065208308812.jpg
Thủ tướng: Chính phủ luôn đồng hành cùng TPHCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ảnh: VPG

Với những tồn tại trên, theo nhận định cá nhân người viết, cơ chế phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực quan trọng: kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường… thực sự chưa cụ thể nội dung nào do trung ương quyết, những nội dung nào TP.HCM được quyết?!

Nghị quyết 54 mục đích tạo lập một cơ chế đặc thù, phân quyền cho thành phố, song khi triển khai, nhiều chuyện vẫn phải hỏi ý kiến các bộ, ngành do vướng thủ tục, có khi phải chờ thay đổi cả luật, nên các bộ, ngành cũng lúng túng, chậm trả lời. Đây là lý do chính ảnh hưởng đến sự lưỡng lự, chưa mạnh dạn, quyết liệt đưa ra quyết định của các lãnh đạo TP.HCM thời gian qua.

Ngày 21/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận kéo dài thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy TP.HCM chỉ có thêm một năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.

Muốn đặc thù thì phải khác biệt, nhưng muốn khác biệt lại không đúng luật. Đặc thù cũng không phải là đưa TP.HCM thành khu tự trị, mà ở tốc độ phát triển đang chậm hơn yêu cầu thực tiễn, nên cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá. Đây là vướng mắc chính trong cơ chế phân cấp, phân quyền hiện nay.

Gỡ khó cho TP. Hồ Chí Minh

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc, làm việc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm tạo động lực phát triển mới cho đầu tàu kinh tế TP. HCM và vùng kinh tế Đông Nam Bộ, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.

Thủ tướng cho rằng cần chọn một số việc quan trọng xử lý trước. Đó là giải ngân vốn đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi nhiệm kỳ này, Chính phủ đã nỗ lực huy động 470.000 tỷ đồng cho công trình giao thông trọng điểm, từ việc tăng thu tiết kiệm chi, cắt giảm 5.000 dự án chưa cấp thiết và một số nguồn khác. Con số này gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.

Với số vốn được giao chiếm tỉ lệ lớn, việc giải ngân của TP.HCM cũng là câu chuyện lớn đối với cả nước. Chắc chắn TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn, truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn đối với sự phát triển chung nếu khắc phục được các điểm yếu, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng dự kiến năm 2022 khoảng 9%, thu ngân sách bằng 1/3 cả nước nhưng tính đến cuối tháng 10, TPHCM giải ngân mới đạt 34% vốn đầu tư công, trong khi mức trung bình cả nước là 43%. Như vậy, đầu tàu kinh tế phải tăng tốc hơn nữa. Những dự án lớn đang được chờ đợi để "phá thông" sự trì trệ, tạo đà kéo cho TPHCM và cả vùng.

img2726-16695551998291563213536.jpg
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 12.665 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 34% - Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng TPHCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhưng bản thân thành phố cũng phải vươn lên, khẳng định mình, trân trọng từng cơ hội để giúp thành phố bứt phá, phát triển. Lãnh đạo, đảng viên luôn tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong hành trình vượt khó, kéo cả đoàn tàu tiến nhanh về phía trước trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện ở chỗ này, chỗ kia chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo Chính phủ, còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện, chưa "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết: "Ai sai thì xử lý, ai làm tốt phải bảo vệ, ủng hộ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng" và "Chính phủ, các bộ, ngành cùng làm, cùng chung tay tháo gỡ những vướng mắc" trong giải ngân vốn đầu tư công là nguồn động viên kịp thời, cần thiết đối với TP.HCM, sớm đưa nguồn lực to lớn này vào phát triển thành phố và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực tạo con đường bằng phẳng cho giải ngân đầu tư công tiến bước để vào lúc khó khăn này, đây sẽ trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại địch.

Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải dồn hết tốc lực, chạy nước rút để về đích trong giải ngân đầu tư công, mang lại tăng trưởng cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Hy vọng, Trung ương tiếp tục hiểu những khó khăn, tồn tại của TP.HCM và điều chỉnh cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước; cho TP.HCM được minh bạch về thẩm quyền, được tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn. Có vậy, TP.HCM mới dám nghĩ dám làm, phát huy được hiệu quả, vai trò trách nhiệm của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh sau 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO