Trung tâm logistics - Thành tố cốt lõi của hệ thống logistics (Kỳ 1)

01/01/1970 08:00

(VLR) Vai trò của hệ thống logistics và quản trị chuỗi cung ứng ngày càng được coi trọng trong các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế. Trung tâm logistics là một thành tố cốt lõi của hệ thống logistics đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả các hoạt động logistics. Lý thuyết về trung tâm logistics cũng không ngừng phát triển hoàn thiện. Bài báo trình bày các khái niệm cơ bản nhất về trung tâm logistics như định nghĩa, chức năng, phân loại và các nguyên tắc cơ bản xác định vị trí một trung tâm logistics.

Tạp chí Vietnam Logistics Review giới thiệu đến quý bạn đọc đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Trung tâm logistics của TS. Trần Sĩ Lâm - Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Đề tài này đã triển khai hơn 2 năm và được các chuyên gia trong ngành đánh giá tốt.

Vai trò của hệ thống logistics và quản trị chuỗi cung ứng ngày càng được coi trọng trong các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế. Trung tâm logistics là một thành tố cốt lõi của hệ thống logistics đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả các hoạt động logistics. Lý thuyết về trung tâm logistics cũng không ngừng phát triển hoàn thiện. Bài báo trình bày các khái niệm cơ bản nhất về trung tâm logistics như định nghĩa, chức năng, phân loại và các nguyên tắc cơ bản xác định vị trí một trung tâm logistics.

1.Khái niệm trung tâm logistics

Trung tâm logistics là khái niệm mới hình thành bắt đầu từ những năm 1970-1980 của thế kỷ trước tại các khu vực và các nước có hệ thống mạng lưới logistics phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và đang phát triển rất nhanh tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Liên Bang Nga, Brazil cùng với nhu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới logistics phục vụ phát triển kinh tế và thương mại tại các nước này.

Trong ngành logistics trên thế giới, đề cập đến khái niệm trung tâm logistics có nhiều thuật ngữ được sử dụng. Tuy nhiên nhìn chung các thuật ngữ này không khác biệt quá nhiều về cách hiểu, trong đó sử dụng nhiều nhất là: logistics centres, logistics distribution centers, freight villages, distribution centres, freight distributon centres, logistics hub, logistics clusters, logistics park, logistics nodes, logistics zones, cargo shipment centers, gütervekehrszentrum-GVZ, distripark, central depot, depot base, distribution-storage centre, interporti, platformes logistiques….

Cũng giống như khái niệm logistics, có nhiều quan điểm và định nghĩa khác nhau về trung tâm logistics và khái niệm này cũng thay đổi liên tục cùng với sự phát triển của logistics và quản lý chuỗi cung ứng (SCM-Supply Chain Management):

- M. Krzyzanowski đưa ra định nghĩa: trung tâm logistics là terminal vận tải đa phương thức nơi diễn ra các hoạt động khai thác các luồng hàng hóa cho các đơn vị vận tải khác nhau, phục vụ thị trường cấp vùng, cấp quốc gia và cấp quốc tế. Theo quan điểm của M. Krzyzanowski các chức năng chính đặc thù của trung tâm logistics là: vận tải, làm hàng, lưu kho bãi, phân loại và làm nhãn.

- André Langevin và Diane Riopel lại cho rằng trung tâm logistics là một dạng thành tố điểm của hệ thống mạng lưới logistics, đóng vai trò quan trọng hỗ trợ luồng hàng hóa luân chuyển, lưu kho bãi hàng hóa, xử lý hàng hóa, tái thu gom hàng hóa vận chuyển, xử lý các lô hàng vận chuyển,… Hai tác giả này nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa trung tâm logistics và kho bãi là tại trung tâm logistics hàng hóa lưu kho bãi là giới hạn và có thể không có hàng lưu kho bãi, trung tâm logistics có chức năng chủ yếu là phục vụ việc lưu chuyển của hàng hóa và các hoạt động khác liên quan đến hàng hóa luân chuyển.

Tuy nhiên định nghĩa được thừa nhận rộng rãi nhất và tương đối hoàn chỉnh là định nghĩa của Hiệp hội Trung tâm Logistics châu Âu Europlatforms (European Association of Freight Villages), theo Hiệp hội này: Trung tâm logistics là một khu vực nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics như kho bãi, văn phòng, khu vực xếp dỡ hàng,… Trung tâm logistics cần phải có và được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động và dịch vụ của trung tâm. Trung tâm logistics cần được kết nối với các phương thức vận tải khác nhau như đường ôtô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không,….

Vai trò cơ bản của trung tâm logistics là giảm thời gian luân chuyển của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng như hoàn thiện chất lượng dịch vụ logistics. Do đó hoạt động trung tâm logistics cần đạt được các yêu cầu cơ bản của khách hàng sử dụng dịch vụ trung tâm logistics như sau:
-Tối ưu hóa mức dự trữ;
-Đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng;
-Tối thiểu thời gian lưu chuyển của hàng hóa;
-Giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó hoạt động của trung tâm logistics cũng cần đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội như sau:
-Quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả hơn;
-Đảm bảo chuyển giao hiệu quả hàng hóa được vận chuyển bằng các phương thức vận tải khác nhau;
-Sử dụng tối ưu hệ thống giao thông vận tải quốc gia và quốc tế;
-Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp quốc gia và cấp khu vực thông qua đáp ứng hiệu quả dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ.

2.Chức năng của trung tâm logistics:

Các chức năng cơ bản của một trung tâm logistics bao gồm:
•Lưu kho bãi
Đây là chức năng truyền thống của kho bãi. Hàng hóa cần phải lưu kho theo các hình thức khác nhau. Tuy nhiên thực tế các trung tâm logistics thường được thiết kế để tối thiểu hóa và thậm chí loại trừ dự trữ lưu kho. Các trung tâm logistics hiện đại được thiết kế chú trọng tới hiệu quả lưu chuyển dòng hàng hóa hơn là lưu kho dự trữ.
•Xếp dỡ hàng
Trung tâm logistics được trang bị các thiết bị làm hàng hiện đại phục vụ cho hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại trung tâm. Công tác quản trị làm hàng cũng cần thực hiện hiệu quả nhằm giảm thiểu các thao tác, hoạt động làm hàng, sử dụng hiệu quả cả không gian và thời gian. Các mục tiêu cơ bản của hoạt động làm hàng tại trung tâm logistics bao gồm:
-Tối ưu hóa năng lực chứa hàng của kho và bến bãi;
-Tối thiểu hóa không gian không dùng để chứa hàng;
-Giảm số lần thao tác làm hàng;
-Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và hiệu quả;
-Tối thiểu hóa lao động thủ công;
-Tăng hiệu quả luồng luân chuyển logistics tổng thể;
-Giảm chi phí.
•Gom hàng
Các lô hàng nhỏ được gom thành các lô hàng lớn phục vụ cho việc vận chuyển. Việc gom hàng có thể được nhà cung cấp dịch vụ trung tâm logistics hoặc bên thứ ba thực hiện. Ưu điểm nổi bật của gom hàng là tiết kiệm chi phí vận tải.
•Chia nhỏ hàng
Đây là hoạt động ngược lại việc gom hàng. Là hoạt động chia lô hàng lớn thành các lô hàng nhỏ hơn.
•Phối hợp phân chia hàng
Hàng hóa được vận chuyển đến trung tâm logistics từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, sau đó được kết hợp lại để vận chuyển cho các khách hàng khác nhau. Phối hợp phân chia hàng gắn liền với hoạt động phân loại, phân chia hay trộn lẫn. Trong trường hợp này trung tâm logistics không chỉ đóng vai trò là điểm lưu kho hàng mà còn là điểm chuyển giao hàng.
•Tạo ra giá trị logistics gia tăng
Bên cạnh các các chức năng như trên trung tâm logistics còn là nơi tạo ra giá trị gia tăng logistics. Giá trị này thông thường được cung cấp bởi các công ty logistics tạo ra cho sản phẩm cuối cùng. Các hoạt động VAL điển hình bao gồm:
-Hoạt động low-end VAL: thông thường tạo ra giá trị gia tăng không cao cho hàng hóa như: làm nhãn, đánh dấu sản phẩm quốc gia hay khách hàng đặc biệt, thêm các thao tác phụ hay linh phụ kiện, sắp xếp lại hàng hóa hay chia nhỏ hàng,…
-Hoạt động high-end VAL: thông thường tạo ra giá trị giá tăng cao cho hàng hóa như: trộn hàng hạt hay pha hàng lỏng, hun khử trùng, lắp ráp cuối, hướng dẫn/đào tạo, sửa chữa,….
-Hoạt động back office: bao gồm quản lý luồng luân chuyển hàng hóa và thông tin, bảo hiểm, thông quan,… Các hoạt động này còn gọi là hoạt động giá trị gia tăng dịch vụ (VAS-Value Added Services).
-Các dịch vụ giá trị gia tăng cho trang thiết bị (VAF-Value Added Facilities): bao gồm các dịch vụ như duy tu thiết bị, cho thuê thiết bị hay làm sạch thiết bị.
•Lưu trữ hàng tối ưu
Một trong những chức năng hiện đại của trung tâm logistics là lưu trữ hàng tối ưu, đây là chức năng lưu trữ hàng hóa đến thời điểm muộn nhất có thể thời điểm hàng hóa phải giao ra thị trường hay phải giao cho khách hàng. Chức năng này rất phổ biến đối với hoạt động logistics quốc tế nhằm lưu trữ hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định dưới dạng nhất định, tại một nơi nào đó, tới một thời điểm nào đó có lợi nhất cho khách hàng, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho toàn bộ chu chuyển dòng logistics.
•Logistics ngược
Đây là một trong nhiều chức năng giá trị logistics gia tăng (VAL-Value Added Logistics) khi nhà sản xuất yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP-Logistics Services Provider) thực hiện thu hồi các sản phẩm lỗi, các linh kiện phụ tùng lỗi. Các sản phẩm và linh kiện phụ tùng này sẽ được thu gom hay sửa chữa phục hồi theo yêu cầu của nhà sản xuất tại các trung tâm logistics.
•Chuyển tải
Trung tâm logistics cung cấp dịch vụ chuyển giao hàng hóa từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác. Dịch vụ này mang lại hiệu quả cao cho nhà vận tải, nhà phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động lưu kho phân phối hàng tồn kho, hàng dự trữ với mức chi phí tối thiểu cho đến thời điểm mang lại hiệu quả cao nhất cho khách hàng.
•Một số chức năng khác
Trung tâm logistics còn là nơi thực hiện các thủ tục hải quan, thông quan, kiểm tra kiểm soát hàng hóa,… cũng như các chức năng quan lý nhà nước khác theo quy định đối với hoạt động logistics nội địa và hoạt động logistics quốc tế. Trung tâm logistics còn có thể đóng vai trò là depot cho các phương tiện vận tải, người điều khiển và quản lý phương tiện vận tải, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện vận tải, điều chỉnh lịch trình khai thác phương tiện và sử dụng thay thế hoán đổi nhân lực trong hoạt động vận tải, phân phối cho phù hợp. Trung tâm logistics cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng như ăn, nghỉ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ tài chính-tín dụng, cho thuê văn phòng,… Trung tâm logistics còn có thể cung cấp dịch vụ cho hoạt động bán lẻ các sản phẩm cuối cũng như các linh phụ kiện cho khách hàng cuối, mang lại lợi ích và hiệu quả sản xuất kinh doanh cho cả khách hàng cuối cũng như nhà sản xuất phân phối.



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm logistics - Thành tố cốt lõi của hệ thống logistics (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO