Vận tải biển khởi sắc

Báo Hải Quan Online|11/11/2019 08:35

(VLR) Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian vừa qua lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng tốt, khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đã đạt hơn 81 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển hàng năm sẽ là 12 -16% và năm 2030 đạt gấp 1,5 – 2 lần so với hiện nay.

“Điểm sáng” về đội tàu

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2019 đạt 9,1 triệu TEUs, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đạt hơn 81 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng của đội tàu biển Việt Nam đạt 1,2 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp…

Đối với vận tải biển quốc tế hiện đang đảm nhận vận chuyển khoảng 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

Về vận tải biển, tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam hiện là 15,6, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng phát triển theo hướng chuyên dụng hóa. Đặc biệt, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu vào năm 2019. Theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.

Để có được kết quả này, ông Nguyễn Đình Việt cho rằng, thời gian qua đội tàu biển Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước.

Nỗi lo về nguồn nhân lực

Đánh giá về tiềm năng phát triển vận tải biển Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, trước hết về vị trí địa lý, chúng ta có tiềm năng 3.200km chiều dài và 1 triệu km2 biển có thể làm được cảng cùng nhiều tiềm năng khác như: Cửa sông sâu, vịnh kín gió, đường thông thương quốc tế… Chúng ta cũng biết, khi xây dựng một cảng nếu không phải làm đê chắn sóng sẽ giảm một nửa chi phí đầu tư. Chính vì thế, khi xây dựng các cảng nước sâu, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng đó, họ đầu tư ít mà khai thác được các tàu bè.

Cũng theo ông Lê Công Minh, đằng sau chúng ta có Lào và Campuchia không có đường ra biển. Chúng ta đã làm cảng cho cả một khu vực, đây là lợi thế của chúng ta. Các cảng của chúng ta còn nằm trên vị trí tương đối tốt, nối giữa vùng phía Bắc với phía Nam. Ngoài ra, chúng ta có thị trường 100 triệu dân, 400 – 500 triệu tấn hàng hóa; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,7%/năm, như vậy tương đương với việc tăng trưởng 15% hàng hóa trong khu vực cảng biển. Đó là điều kiện cho sự phát triển cảng biển cũng như vận tải biển của chúng ta.

Về khó khăn hiện nguồn nhân lực là một trong những nỗi lo của ngành hàng hải khi nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải dự báo vẫn tăng cao trong thời gian tới, song vì nhiều nguyên nhân khiến nhiều thuyền viên không còn muốn theo nghề. Hiện có khoảng 40.000 thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, lượng thuyền viên Việt Nam hiện nay vẫn đang đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, qua cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2019 chỉ có khoảng 22.000 thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu biển, nghĩa là có tới 43% thuyền viên không theo nghề.

Trong khi đó, hàng năm có tới 400 - 500 thuyền viên hết tuổi lao động. Từ năm 2011 - 2018, quy mô đào tạo các ngành đi biển đã giảm hơn 3 lần, đặc biệt là nhiều sinh viên ra trường được đào tạo đúng nghề nhưng lại không theo nghề hàng hải nữa.

Để khắc phục vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị điều chỉnh Bộ luật Lao động theo hướng coi người làm việc trong ngành Hàng hải là lao động đặc thù, áp dụng một số chế độ phù hợp về tuổi học nghề; về vấn đề ký hợp đồng lao động, thời gian làm việc, tiền lương, phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động cho đặc thù công việc trong lĩnh vực hàng hải. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhất, nếu quy định này được áp dụng trong Bộ luật Lao động thì nó sẽ là luật gốc, điều chỉnh sang tất cả các văn bản pháp luật khác liên quan đến thuyền viên.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận tải biển khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO