"Vụ án Đăng kiểm" và sự đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ

Ngô Đức Hành |28/02/2023 07:27

Trong bối cảnh việc tuyển đăng kiểm viên gặp nhiều khó khăn cùng với việc rệu rã tinh thần...; chắc chắn nền kinh tế tổn thất không nhỏ.

3f7b5c428cc756990fd6-1357-1677311509.jpg
Nhiều tài liệu bị thu giữ ở Trung tâm Đăng kiểm 29-10D (Hà Nội)

Hoạt động đăng kiểm bị biến thành nơi họp "chợ trời"

Cách đây 3 hôm, ngày 24/2, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã  khám xét và bắt 5 người của Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới 29-07D, gồm: Lê Thành Chung, Giám đốc, Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc và 3 đăng kiểm viên Đào Huy Chung, Lê Văn Ngọc, Đỗ Văn Huân. 5 người bị điều tra dấu hiệu phạm tội Nhận hối lộ. Công an quận Hoàng Mai khám xét để điều tra hành vi nhận hối lộ tại TTĐK xe cơ giới 29-10D.

Vụ án trong ngành Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) bắt đầu từ khi Công an TP.HCM phát hiện, điều tra đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại các TTĐK phương tiện cơ giới đường bộ, sau đó mở rộng điều tra trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp....

Cho đến nay, công an cả nước liên tiếp điều tra, bóc gỡ sai phạm trong đăng kiểm; cơ quan tố tụng đã khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố hơn 300 bị can với các tội danh:Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Tại "tổng hành dinh" của ngành ĐKVN là Cục ĐKVN, người có chức vụ cao nhất đến nay đều bị bắt về hành vi Nhận hối lộ; gồm Cục trưởng Đặng Việt Hà và nguyên Cục trưởng Trần Kỳ Hình.

Một vài lãnh đạo phòng kiểm định, Cục ĐKVN bị xác định đã "nhận hối lộ định kỳ theo tháng, quý, để bỏ qua vi phạm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định". 

Vụ án không chỉ làm "giật mình", "sửng sốt" vì đường dây hối lộ, các TTĐK bị biến thành nơi “mua – bán”, đóng dấu “bảo hành” cho sai phạm từ lâu năm nay. Nếu nói hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới bị biến thành "chợ giời" thì đã thành "nếp", "chợ" không còn chỉ họp theo "phiên" mà hàng ngày. Ai dám chắc đăng kiểm trong các lĩnh vực khác, ví dụ phương tiện thủy nội địa không có "chợ"?

"Đứt gãy" chuỗi cung ứng dịch vụ đăng kiểm

Sau loạt vụ việc sai phạm tại các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc, hàng trăm đăng kiểm viên đã bị bắt tạm giam, trong đó có nhiều đăng kiểm viên bậc cao, trưởng các dây chuyền kiểm định. Do đó hệ thống đăng kiểm xe cơ giới bị thiếu nhân lực trầm trọng.

Để hỗ trợ Cục ĐKVN tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép Cục ĐKVN ký hợp đồng lao động để tuyển các đăng kiểm viên làm việc tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định. Dù chưa được đồng ý, nhưng nếu được chấp thuận, cũng không thể có ngay nhân lực.

Bởi, sau khi tuyển dụng, những người thi đạt sẽ phải trải qua một khoá đào tạo, thực hành trong khoảng thời gian 1 năm mới được thi tuyển để cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc thường, còn để đạt đăng kiểm viên bậc cao, sẽ mất thêm thời gian 3 năm nữa kể từ khi trở thành đăng kiểm viên bậc thường.

dang-kiem-oto_29092021-1.jpg
Hệ thống đăng kiểm thiếu khoảng gần 500 đăng kiểm viên

Các đăng kiểm viên này phải được tập huấn, đào tạo, trải qua kỳ thi và phải thông qua tất cả các hạng mục đánh giá để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc cao, chỉ cần một hạng mục không đạt cũng sẽ bị trượt. Đội ngũ này đòi hỏi phải rất lành nghề, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Như vậy, từ khi thi đỗ kỳ thi tuyển đăng kiểm viên đến khi trở thành đăng kiểm viên bậc cao phải làm công tác kiểm định xe liên tục trong 4,5 năm.

Theo quy định hiện hành, 1 dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, bao gồm 1 đăng kiểm viên bậc cao có vai trò là trưởng dây chuyền kiểm định. Lãnh đạo TTĐK, người có trách nhiệm ký giấy chứng nhận đăng kiểm cũng phải là đăng kiểm viên bậc cao, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trở lên.

Riêng đối với nhân sự tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN, phải là đăng kiểm viên có từ 5-10 năm làm việc mới đủ kinh nghiệm, các loại chứng chỉ để tự tin hoạt động độc lập.

Theo thống kê, hệ thống đăng kiểm trực thuộc Cục ĐKVN cần khoảng 250-260 đăng kiểm viên để làm việc nhằm thực hiện đúng và đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50%.

Tính toàn hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước trước đây có hơn 2.000 đăng kiểm viên (bao gồm cả trạm của Cục, Sở GTVT và các đơn vị tư nhân), đến nay cũng thiếu khoảng gần 500 đăng kiểm viên, trong đó có nhiều đăng kiểm viên bậc cao.

Thiếu nghiêm trọng nhất là ở TP. HCM và Hà Nội, ngoài ra tại Hoà Bình, Bắc Kạn..., nhu cầu cần bổ sung cũng rất cấp bách do tại 2 địa phương này chỉ có 1 TTĐK và đang bị tạm dừng hoạt động.

Trong khi đó, các đăng kiểm viên hiện còn làm việc ở các trung tâm đăng kiểm đang hoạt động cũng luôn trong tâm lý hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc. Thậm chí, tại các đơn vị đăng kiểm của Cục đã có 7-8 người tự ý nghỉ việc và nhiều người khác làm đơn xin nghỉ đang chờ được giải quyết. Nếu tính chung các đơn vị đăng kiểm của Sở GTVT và tư nhân, con số này không hề nhỏ.

Trong bối cảnh việc tuyển đăng kiểm viên gặp nhiều khó khăn cùng với việc rệu rã tinh thần của các đăng kiểm viên còn làm việc đã khiến hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hiện nay đứng trước nguy cơ bị đứt gãy, thậm chí sụp đổ.

Chắc chắn, không chỉ người sử dụng phương tiện thiệt thòi mà nền kinh tế tổn thất không nhỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Vụ án Đăng kiểm" và sự đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO