375 triệu USD hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Xuân|25/03/2024 07:57

Ngày 19/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn đối với Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.

ha-1-nong-nghiep-vlr-25032024.png
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định đây là dự án trọng yếu cơ bản để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tham dự có ông Trần Văn Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; lãnh đạo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT); đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ do Bộ NN&PTNT làm chủ dự án, triển khai tại 12 tỉnh, thành gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2031 (chuẩn bị dự án là 2024 - 2025).

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 375 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng); trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay IBRD của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.

Dự án hướng đến việc thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp chất lượng cao tại các tỉnh mục tiêu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu dự án sẽ được đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả. Dự án gồm 3 hợp phần, bao gồm:

Hợp phần 1: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, các bon thấp (ước tính khoảng 350 triệu USD được sử dụng để đầu tư cho hàng hóa và các công trình công cộng nhằm thu hút và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào chuỗi giá trị gạo các bon thấp).

Hợp phần 2: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật (ước tính 20 triệu USD, phục vụ việc nâng cao năng lực kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu và phòng kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, tập trung vào cải thiện các hoạt động thông minh về khí hậu và carbon thấp cũng như gia tăng giá trị để giúp người sản xuất tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng, giảm phát thải khí nhà kính).

ha-2-nong-nghiep-vlr-25032024.png
Đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) trình bày ý tưởng đề xuất Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại hội thảo.

Hợp phần 3: Quản lý dự án (ước tính 5 triệu USD từ vốn đối ứng sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án với mục đích đảm bảo dự án được triển khai theo cách đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và tác động dự kiến với chất lượng và hiệu quả cao nhất).

Phát biểu tại hội thảo, khẳng định đây là dự án trọng yếu cơ bản để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị dự án nên tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm, đó là hệ thống thủy lợi, giao thông liên vùng, logistics và cơ giới hóa đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị sau hội thảo lần này, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp có văn bản gửi các tỉnh, thành phố tham gia dự án để các địa phương củng cố hoặc thành lập mới Ban quản lý dự án của địa phương mình làm cơ sở chỉ đạo thực hiện, đồng thời cung cấp thông tin để Bộ NN&PTNT sớm hoàn chỉnh dự án. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát lại lực lượng khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, xem đây là lực lượng nòng cốt cùng với các hợp tác xã triển khai dự án.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng đây là dự án có thể chuyển đổi về căn bản phương thức sản xuất của Đồng bằng sông Cửu Long về lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý và nông dân rất đồng tình. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT mong muốn các địa phương trong vùng chung sức phối hợp với Bộ NN&PTNT để dự án nói trên sớm được triển khai.

Theo CanTho Portal
Copy Link
Bài liên quan
  • Đồng bằng sông Cửu Long sắp có trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics
    • Tàu kéo chạy bằng năng lượng hydro đầu tiên trên thế giới đã sẵn sàng hạ thủy • Vận tải container đường thủy nội địa ở nhiều địa phương đạt mức thấp • Mời gọi đầu tư vào các dự án quanh sân bay Long Thành • Các tàu chở hàng phải đi đường xa hơn do kênh đào Panama vẫn “tê liệt” • Đồng bằng sông Cửu Long sắp có trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
375 triệu USD hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO